Nghệ An: Nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Nghệ An: Nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia
Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng trường chuẩn nhưng vẫn thiếu “chuẩn” đang xảy ra hoặc một số địa phương trong tỉnh.
Trường Mầm non Trù Sơn hiện là ngôi trường có cơ sở vật chất khó khăn nhất của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trường có đến hơn 600 học sinh nhưng có tới 3 điểm trường và điểm trường nào cũng hư hỏng, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu của bậc học mầm non.

Trường mầm non Trù Sơn dành cho học sinh từ 5 tuổi trở xuống nhưng hiện các học sinh của trường phải học ở ngôi trường Trung học cơ sở vốn đã xuống cấp; các phòng học, tường, mái ngói và nền gạch đều bị hư hỏng và không đảm bảo đủ diện tích theo quy định. Trong các phòng học, do phần mái ngói bị hỏng, dột nên các cô giáo phải chăng thêm bạt, nhìn rất tạm bợ. Điều lo lắng hơn nữa của giáo viên nhà trường đó là phòng học được xây rất cao, bậc thang để lên xuống cao hơn 1 mét. Điều này rất nguy hiểm cho học sinh bậc học mầm non.

Không chỉ ở điểm trường chính, các điểm trường lẻ cơ sở vật chất cũng đang rơi vào tình trạng báo động. Các phòng học được xây dựng đã lâu, có phòng chỉ khoảng 15m2, một số phòng vốn là nhà kho cũ nên không đủ rộng để giáo viên tổ chức các hoạt động trong lớp, việc tổ chức bán trú cũng rất khó khăn. “Trong nhiệm kỳ này dù chính quyền xã đã đặt mục tiêu xây dựng trường mầm non Trù Sơn thành trường chuẩn quốc gia nhưng đích đến vẫn còn rất dài, khó đạt được kế hoạch đã đề ra”, cô giáo Nguyễn Thị Yến – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không những khó khăn về cơ sở vật chất, việc thiếu giáo viên, thiếu lớp học cũng xảy ra ở nhiều trường khác, đặc biệt là ở bậc tiểu học khiến cho việc xây dựng trường và duy trì danh hiệu trường chuẩn lại trở nên khó khăn hơn.

Theo quy định trường chuẩn quốc gia cũng yêu cầu ở bậc tiểu học không quá 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên ở thành phố Vinh, dù các trường đã công nhận chuẩn nhưng số lượng học sinh vẫn rất đông, vượt quá theo quy định. Trong đó các trường như Trường Tiểu học Lê Lợi, Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 số học sinh xấp xỉ đều trên 40 học sinh/lớp và còn có thể cao hơn so với kế hoạch đã phê duyệt. Ở bậc mầm non, tình trạng quá  tải cũng diễn ra thường xuyên.

Năm học 2018 - 2019 tỉnh Nghệ An có 1.043 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 68,66%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Nhiều địa phương có tỷ lệ trường chuẩn cao như thị xã Cửa Lò đạt 100%, huyện Quỳ Châu trên 89 %, huyện Diễn Châu trên  86,6%, thành phố Vinh trên 75,6%

Hiện nay tại Nghệ An, nhiều địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp như huyện Kỳ Sơn 13,7%, huyện Tương Dương 40,3%, Quế Phong 54,1%, thị xã Hoàng Mai gần 61%... Tại huyện Kỳ Sơn,  việc để xây dựng trường chuẩn quốc gia rất khó khăn. Toàn huyện chỉ có 3 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở được công nhận trường chuẩn và chủ yếu chỉ mới đạt chuẩn mức độ 1.

Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Việc xây dựng trường chuẩn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực của ngân sách địa phương và ở các cơ sở. Tuy nhiên, do đặc thù là huyện nghèo nên việc huy động vốn ở Kỳ Sơn gặp rất khó khăn. Trong khi đó, việc vận động xã hội hóa hầu như lại không thực hiện được hoặc rất ít.

Kết quả thống kê cho thấy, những trường học chưa đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều là những trường được xây dựng đã lâu, diện tích mặt bằng chỉ bảo đảm mức tối thiểu, phòng chức năng và các hệ thống,  trang thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều trường học vẫn duy trì các điểm trường, phân tán nên việc đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh còn trên 1.000 phòng tạm, phòng mượn chưa đảm bảo theo yêu cầu. Nhiều trường còn thiếu giáo viên, nhân viên so với quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục.

Từ thực trạng này, việc đẩy nhanh việc xây dựng trường chuẩn trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là khi hiện nay các trường chưa đạt chuẩn đều là những trường ở vùng khó, vùng đặc thù. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp ở các địa phương, tuy nhiên mới chỉ ưu tiên thực hiện ở những xã nghèo, xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian tới để thực hiện hiệu quả việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia, cần tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục nhằm khai thác và huy động các nguồn lực. Riêng đối với những trường đã đạt chuẩn, các cấp, các ngành cần tiếp tục kiểm tra, đánh giá, đôn đốc các nhà trường. Trường hợp trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng lại thiếu chuẩn cần sớm tìm giải pháp khắc phục hoặc cương quyết rút danh hiệu nếu các điều kiện không đảm bảo, tránh việc đánh giá theo thành tích mà bỏ quên chất lượng theo đúng mục tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã đề ra.
 
Bích Huệ 
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm