Nghệ An: Khó khăn trong bố trí nhân lực và chi trả kinh phí cho y tế học đường

Nghệ An: Khó khăn trong bố trí nhân lực và chi trả kinh phí cho y tế học đường

Thiếu nhân viên y tế học đường

Trường Tiểu học Huồi Tụ 2, huyện Kỳ Sơn có hơn 1.000 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số, sống xa gia đình. Do số học sinh đông, không được bố mẹ chăm sóc thường xuyên, việc các em mắc những bệnh thông thường xảy ra gần như “cơm bữa”. Từ thực tế, nhu cầu về y tế học đường là thiết yếu. Thầy giáo Nguyễn Thế Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 cho biết: Trường có cơ số thuốc phục vụ việc sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, vì không có chuyên môn, các thầy cô giáo không dám cho học sinh uống. Mỗi khi có học sinh đau ốm, nhà trường phải gọi điện sang trạm y tế để nhờ hỗ trợ.
Nhân viên y tế ở Trường Tiểu học Nghi Ân, thành phố Vinh cùng lúc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
 Nhân viên y tế ở Trường Tiểu học Nghi Ân, thành phố Vinh cùng lúc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Tại Trường Tiểu học Nghi Ân, thành phố Vinh, năm học này, nhân viên y tế của trường đã điều chuyển. Vì vậy, chị Nguyễn Thị Dung, kế toán kiêm văn thư của trường kiêm nhiệm thêm công việc của một nhân viên y tế. Do còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều và không có chuyên môn về y tế, chị Dung thừa nhận đảm nhiệm công việc này rất vất vả. Thầy giáo Nguyễn Huy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Ân cho biết: Với học sinh Tiểu học, các em gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, nếu không được bố trí nhân viên y tế rất đáng lo ngại. Để tháo gỡ khó khăn này, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh đã có hướng dẫn để nhà trường ký hợp đồng với trạm y tế xã Nghi Ân trong công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhà trường rất băn khoăn bởi trên địa bàn xã có ba trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở, nếu tất cả cùng ký, trạm y tế khó đảm bảo được công việc vì hiện tại trạm chỉ có 4 người. Trong khi đó, nhân viên y tế trường học yêu cầu phải có mặt thường xuyên mới đảm bảo được việc chăm sóc sức khỏe cho các em.Vướng mắc về chi trả kinh phí cho y tế học đường Kết thúc năm học 2018-2019, hơn 96% học sinh của Nghệ An tham gia bảo hiểm y tế, trong đó nhiều địa phương tỷ lệ này đạt 100%. Theo quy định, sau khi tham gia bảo hiểm y tế, nhà trường được trích một khoản kinh phí (5%) từ tổng thu bảo hiểm y tế để sử dụng cho công tác y tế học đường. Với gần 1.500 trường học và hơn 700.000 học sinh có tham gia bảo hiểm y tế, số tiền được trích từ nguồn bảo hiểm y tế tại Nghệ An là không nhỏ. Tuy nhiên, từ năm 2019, sau khi Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BGD-BYT và Nghị định số 146/2018/NĐCP triển khai, việc chi trả 5% cho các trường gặp nhiều khó khăn. Bởi theo quy định này, Bảo hiểm xã hội chỉ thực hiện việc trích chuyển kinh phí 5% chăm sóc sức khỏe ban đầu khi các trường đủ điều kiện có biên chế nhân viên y tế hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở chữa bệnh, khám bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên. Ngoài ra, nhân viên y tế phải có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (chứng chỉ hành nghề). Trong khi đó, đây lại là điều mà các trường đang vướng mắc hiện nay.
Dù có bằng cao đẳng điều dưỡng nhưng nhân viên y tế Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc vẫn không đủ điều kiện. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
 Dù có bằng cao đẳng điều dưỡng nhưng nhân viên y tế Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc vẫn không đủ điều kiện. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc hiện có hơn 1.000 học sinh. Nếu trích từ quỹ bảo hiểm y tế, mỗi năm, trường có khoảng 50 triệu đồng để mua sắm thuốc và các thiết bị phục vụ y tế học đường. Tuy nhiên, đến nay, dù đã gần hết năm 2019 nhưng nhà trường chưa được thanh toán vì lý do, nhân viên y tế chưa có chứng chỉ hành nghề. Tại huyện Nam Đàn, hiện nay, chưa có trường nào được thanh toán, trong khi nguồn kinh phí để trích cho y tế học đường hết sức hạn hẹp và không phải trường nào cũng có ngân sách để bù vào danh mục này. Cô giáo Vương Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Trù, huyện Nam Đàn băn khoăn: Nhiều năm nay không có nhân viên y tế nên ảnh hưởng tới đến hoạt động của nhà trường. Bây giờ có chủ trương hợp đồng với trạm y tế xã nhưng nhà trường đang băn khoăn không biết cơ chế thế nào và chi trả lương thế nào là hợp lý khi nguồn để khám chữa bệnh cho bảo hiểm y tế không có. Mỗi năm tỉnh Nghệ An thu được khoảng 15 tỷ đồng từ tiền tham gia bảo hiểm y tế học sinh.  Cũng theo thống kê, trong tổng số 1.492 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện có tới 573 cơ sở  giáo dục  không có nhân viên y tế. Đặc biệt hơn trong số 919 cơ sở giáo dục đã có nhân viên y tế cũng chưa có nhân viên y tế nào được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Vì thế, theo quy định hiện nay, việc trích kinh phí 5% chăm sóc sức khỏe ban đầu là chưa thể thực hiện nếu các yếu tố chưa đảm bảo. Ông Lê Viết Thức, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở ngành, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế để có văn bản hướng dẫn liên ngành quy định về điều kiện tổ chức thực hiện khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe ban đầu trong trường học. Để giải quyết vấn đề có tính chất lâu dài, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu, bố trí sắp xếp, lập kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để các nhân viên y tế trường học được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Ngành Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan ở Nghệ An cần có kế hoạch, lộ trình trong phối kết hợp để bố trí đủ nhân lực y tế học đường. Bên cạnh đó tạo điều kiện để nhân viên y tế được cấp chứng chỉ hành nghề, đảm bảo quyền lợi về chăm sóc ban đầu cho học sinh.
Bích Huệ

Có thể bạn quan tâm