Nghệ An khẩn cấp chống hạn và xâm nhập mặn

Nghệ An khẩn cấp chống hạn và xâm nhập mặn
Người dân dùng máy bơm dã chiến để chống hạn. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN
Người dân dùng máy bơm dã chiến để chống hạn. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan; Chủ tịch UBND các địa phương; giám đốc các Công ty thủy lợi, nông, lâm nghiệp, thủy điện, điện lực triển khai ngay các biện pháp phòng chống hạn; tổ chức nạo vét cửa lấy nước, kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; đào ao, giếng, đắp dập tạm để trữ nước và ngăn mặn; chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, nguồn nước và tình hình hạn hán. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp xuống các địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn có hiệu quả. Bên cạnh đó, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng, để đối phó với tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài. Tại Nghệ An, từ đầu vụ Hè Thu năm 2019 đến nay, thời tiết diễn biến hết sức bất lợi, nắng nóng gay gắt xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 37 – 40 độ C; mực nước trên các sông suối xuống rất thấp. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ đóng tại thành phố Vinh (Nghệ An), thời gian tới nắng nóng gay gắt sẽ còn tiếp tục xảy ra, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Tình trạng hạn hán, thiếu nước tiếp tục xảy ra trên diện rộng tại Nghệ An. Nước mặn có nguy cơ xâm nhập sâu ở vùng cửa sông, ven biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước thực tế trên, hiện nay cùng với việc yêu cầu các địa phương trong tỉnh khẩn cấp phòng chống hạn, nước mặn xâm nhập, tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các nhà máy thủy điện trên địa bàn phối hợp chặt chẽ  với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thống nhất kế hoạch xả nước gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu Sở Công Thương kiểm tra, giám sát các công ty thủy điện xả nước đảm bảo kế hoạch và nhu cầu dùng nước ở hạ du sông Cả (sông lớn nhất Nghệ An). Hiện nay, Công ty TNHH Thủy lợi Nam, Công ty TNHH Thủy lợi Bắc Nghệ An và UBND các huyện ven biển đang thực hiện các biện pháp để ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu nắng hạn kéo dài, đồng ruộng sẽ khô hạn, mực nước các cửa sông xuống thấp, lúc đó nước mặn từ biển sẽ chảy ngược, theo các cửa sông xâm nhập vào đồng ruộng, ao hồ, gây hại, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
      Nguyễn Văn Nhật

Có thể bạn quan tâm