Ngày càng nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng ở Hà Giang

Ngày càng nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng ở Hà Giang
Đồi keo nhà chị Phùng Thị Xưa ở thôn Yên Ngoan đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: baohagiang.vn
Đồi keo nhà chị Phùng Thị Xưa ở thôn Yên Ngoan đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: baohagiang.vn
Gia đình anh Hoàng Đình Việt, ở thôn Lũ Hạ, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình có 20 ha rừng. Những năm trước đây đất rừng của gia đình anh Việt chỉ để những cây gỗ tạp mọc tự nhiên, không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 2012, được sự vận động và hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình anh Việt đã đầu tư 10 ha cây keo. Đến nay diện tích trồng keo của gia đình anh đã mở rộng trên 20 ha. Anh Việt cho biết, trong tổng số hơn 20 ha keo có 10 ha cho thu hoạch, mang lại cho gia đình 700 triệu đồng. “Thời gian trồng cây keo 7 năm tuy có dài nhưng lợi ích kinh tế mang lại rất lớn. Hiện gia đình tôi còn hơn 10 ha cây keo Úc đang chăm sóc. Diện tích đất rừng sau thu hoạch, như đã cam kết chúng tôi tiếp tục thâm canh và sử dụng giống tốt để trồng lại sau khai thác” – anh Việt chia sẻ. Từ 5 năm trở lại đây, thấy được lợi ích từ trồng rừng, đã có rất nhiều người dân tham gia; bà con có nhiều thay đổi trong thâm canh, đầu tư mạnh trong công tác trồng rừng, nhất là khâu cải tạo giống và đầu tư phân bón. “Qua việc nắm bắt khai thác rừng trồng trên địa bàn, tôi thấy sản lượng 1 ha tăng so với 5 năm trước từ 20 – 30 khối” – anh Việt cho biết thêm. Ông Đỗ Bằng Giang - Chủ tịch UBND xã Tân Bắc cho biết, trồng rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do thiếu vốn sản xuất nên vẫn còn nhiều diện tích đất rừng chưa được đầu tư. Trồng cây lâm nghiệp có thời gian tương đối dài, do đó những năm qua xã đã thực hiện một số chương trình lồng ghép chăn nuôi dưới tán, chăn nuôi lợn, gà nhằm giúp bà con lấy ngắn nuôi dài. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình cho biết, tính đến hết tháng 3/2019, diện tích đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện khoảng 15.000 ha, trong đó diện tích đã trồng là 13.000 ha, còn hơn 2.000 ha còn lại là diện tích đất trống và đất cây gỗ tạp. Đối với đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng, huyện Quang Bình chưa đủ cung ứng cho thị trường. Huyện có hơn 10 xưởng làm gỗ ván bóc và 1 xưởng băm dăm nguyên liệu giấy. “Xưởng băm dăm làm nguyên liệu giấy của cơ sở chế biến lâm sản Việt Trinh của chúng tôi có thể tận dụng được cả cành và ngọn cây, mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, những xưởng chế biến như thế này còn tạo việc làm cho lao động địa phương” - ông Khuất Đình Vũ, chủ cơ sở chế biến dăm mảnh gỗ ở huyện Quang Bình cho biết. Tháng 7/2018, tỉnh Hà Giang đã thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và ba loại rừng giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp của Hà Giang trên 567.000 ha, tăng trên 1.264 ha so với trước điều chỉnh quy hoạch; trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 59.544,4 ha; rừng phòng hộ là 231.800,5 ha; rừng sản xuất 276.642,9 ha. Trong số trên 276.600 ha đất rừng sản xuất thì mới chỉ có trên 213 ha đất có rừng, còn lại trên 63.000 ha đất chưa có rừng. Như vậy, quỹ đất phát triển cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, ngành đã tham mưu cho tỉnh về kế hoạch đột phá trong phát triển kinh tế rừng thời gian tới. Trong đó, mục tiêu trong năm 2018-2019 tập trung cho rừng sản xuất tại ba huyện Bắc Quang, Quang Bình và Bắc Mê. Đây cũng là 3 huyện có diện tích đất rừng lớn nhất của tỉnh Hà Giang. Tỉnh Hà Giang đã thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng phát triển kinh tế. Theo đó, mỗi 1 ha rừng trồng sẽ được hỗ trợ ban đầu từ 3 – 5 triệu đồng/ha. Cùng với hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng rừng, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế từ rừng của Hà Giang sẽ tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm