Ngăn chặn tình trạng vượt biên đi lao động “chui” (Bài 1)

Ngăn chặn tình trạng vượt biên đi lao động “chui” (Bài 1)
Người lao động sang nước bạn làm thuê trở về qua Cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN
Người lao động sang nước bạn làm thuê trở về qua Cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN

Bài 1: Thực trạng và nguyên nhân

Đại tá Đàm Văn Thụ, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Cao Bằng, cho biết 3 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 5.000 người vượt biên sang Trung Quốc làm thuê; số người vượt biên sang Trung Quốc làm thuê tăng theo từng năm (năm 2017, toàn tỉnh có trên 8.000 người, đến năm 2018 là hơn 9.700 người).

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, tính riêng tại khu vực biên giới, địa bàn do Bộ đội Biên phòng quản lý, các đơn vị đã ngăn chặn 975 vụ với 17.640 lượt công dân Việt Nam có ý định vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê; phát hiện, khởi tố 5 vụ với 8 đối tượng về hành vi tổ chức môi giới người khác xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Lực lượng chức năng Trung Quốc cũng đã bắt và trao trả hàng ngàn người qua các cửa khẩu Sóc Giang, Pò Peo, Lý Vạn, Tà Lùng… Tháng 6/2019 có 1.128 người ở khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh vẫn cư trú và lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Ông Nông Tài Hùng, Trưởng Công an xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) cho biết: Thực trạng lao động vượt biên sang Trung Quốc làm thuê trên địa bàn đã diễn ra rất nhiều năm, nhất là vào mùa nông nhàn, trước và sau Tết Nguyên đán. Hiện nay, cả xã còn khoảng 250 người đang ở Trung Quốc, phần lớn trong độ tuổi từ 20 - 40. Có người đi về trong ngày, có người đi từ 10 - 15 ngày lại về nhà một vài ngày, người đi dài ngày thường từ 3 - 6 tháng hoặc một năm mới về.

Lao động sang Trung Quốc làm việc chủ yếu đi “chui” theo đường tiểu ngạch như lối mòn, đường sông, mà không qua cửa khẩu vì không có giấy tờ xuất nhập cảnh. Nhiều trường hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh sang Trung Quốc đi du lịch, thăm người thân, nhưng hết hạn không về mà ở lại làm thuê trái phép.

Công dân trên địa bàn Cao Bằng, vượt biên sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu ở tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông. Công việc làm thuê tập trung vào các ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở trình độ thấp, như phụ xây, làm gạch, làm cỏ mía, sắn, cấy lúa, phát nương rẫy, chặt cây, hái quả… hoặc một số ngành nghề có yêu cầu tay nghề cao hơn như làm ví da, khâu giầy và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác… Mức thù lao cho một ngày công lao động dao động trong khoảng 120.000 - 250.000 đồng/ngày.

Nhiều lao động vượt biên sang Trung Quốc làm thuê là do mùa nông nhàn không có việc làm, kinh tế khó khăn. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cá nhân bên phía Trung Quốc không yêu cầu về trình độ tay nghề, giá công lao động được trả cao hơn so với cùng một công việc ở Việt Nam.

Đến xã biên giới Đàm Thủy (Trùng Khánh) vào những ngày tháng 6/2019, dọc đường vào nhiều xóm chỉ thấy người già và trẻ nhỏ. Ông Nông Ngọc S, xóm Bản Mom, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) 71 tuổi, sức đã yếu nhưng hằng ngày vẫn miệt mài việc đồng áng và chăm sóc cháu nhỏ cho vợ chồng con trai sang Trung Quốc làm thuê. Ông S chia sẻ: “Nhà có ít ruộng, nương, cả năm trồng không đủ ăn, thấy vài người trong thôn đi làm về bảo bên ấy công việc nhiều, trả lương cao, vợ chồng con trai tôi quyết đi, để con cái cho bố mẹ già trông nom, có thời điểm đi về trong ngày, nhưng cũng có lúc đi 6 tháng đến 1 năm mới về”.

Anh Trần Văn Dũng, xóm Hưng Long, thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) trao đổi với phóng viên. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN
Anh Trần Văn Dũng, xóm Hưng Long, thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) trao đổi với phóng viên. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN

Anh Trần Văn D. (sinh năm 1977, xóm Hưng Long, thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa) cho biết: “Mấy hôm nay, việc bên Trung Quốc ít, tạm thời ban ngày tôi ở nhà, đến tối tôi lên cửa khẩu bốc vác thuê. Hằng ngày, vợ tôi vẫn sang Trung Quốc làm thuê, sáng đi, tối lại về. Đối với người dân gần biên giới, ngoài trồng mía, thu nhập gia đình chủ yếu đều dựa vào việc sang Trung Quốc làm thuê. Sang đó, họ cũng làm những công việc quen thuộc như chặt mía, bốc vác… nhưng được trả số tiền công khá cao 70 - 80 Nhân dân tệ/ngày công (tương đương 180 - 200 nghìn đồng). Vì vậy, gia đình tôi cùng nhiều gia đình trong xóm này và những xóm lân cận đều sang Trung Quốc làm thuê”.

Theo Trung tá Phạm Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hòa), những cư dân sát biên giới ở huyện Phục Hòa hay một số huyện có cửa khẩu, khi sang Trung Quốc làm thuê đều có giấy thông hành đi về trong ngày. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều, phần lớn lao động sang Trung Quốc làm thuê đều vượt biên trái phép. Lý do là những người vượt biên trái phép có thể là người dân ở các xã, huyện, tỉnh nội địa, nên không thể đi về trong ngày. Một số ít là người dân ở các xóm, xã biên giới, nhà chỉ cách nước bạn con sông hay vài bước chân qua đường mòn. Họ ngại vòng đường xa qua cửa khẩu nên không làm giấy thông hành đi về trong ngày.

Nguyên nhân nữa dẫn đến việc lao động tự do vượt biên trái phép đi làm thuê là do người dân hạn chế hiểu biết, nhận thức về pháp luật. Cao Bằng có đường biên giới dài, địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp, có nhiều đường mòn, lối mở. Cùng với đó, các thủ tục pháp lý về xuất nhập cảnh qua lại hai bên biên giới chưa đáp ứng được thực tiễn nhu cầu của người lao động. Công tác quản lý dân cư của chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế. Lực lượng chức năng làm công tác quản lý, tuần tra biên giới còn mỏng, thiếu nên chưa ngăn chặn hiệu quả việc người dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. (Còn nữa)
Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm