Bình Định nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân

Bình Định nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân
Nhân viên dân số xã tuyên truyền về các biện pháp kế hoạch hóa dân số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho phụ nữ trong xã. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Nhân viên dân số xã tuyên truyền về các biện pháp kế hoạch hóa dân số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho phụ nữ trong xã. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 – 2020”. Kết quả thực hiện đề án cho thấy, trường hợp tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2015 - 2020 là 253 trường hợp. Cụ thể, năm 2016 , toàn tỉnh có 78 cặp tảo hôn, trong đó có 24 cặp cả vợ, chồng chưa đến tuổi kết hôn; 54 cặp có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn. Năm 2017 có 78 cặp tảo hôn(17 cặp cả vợ, chồng chưa đến tuổi kết hôn; 61 cặp có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn); Năm 2018 có 61 cặp tảo hôn ( 11 cặp cả vợ, chồng chưa đến tuổi kết hôn; 50 cặp có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn). Năm 2019 có 36 cặp tảo hôn ( 6 cặp cả vợ, chồng chưa đến tuổi kết hôn; 30 cặp có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn). Tỷ lệ tảo hôn hàng năm trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm, năm 2019 giảm so với năm 2016 là 46,2%. Tình hình học sinh bỏ học do tảo hôn từ 2016 - 2019 là 13 cặp; giảm 84% so với năm 2016. Số học sinh bỏ học do tảo hôn đa số là học sinh nữ. Từ năm 2016 cho đến nay, tỉnh Bình Định không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Trên kết quả của đề án này, UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn bền vững hơn, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này. Ban Chỉ đạo chương trình sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, chương trình hướng dẫn, triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố về văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bình Định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, làng thuộc các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn. Tỉnh triển khai, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh. Một số nội dung có liên quan đến việc phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được đưa bổ sung vào quy ước, hương ước của làng. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao cho cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số trong làng. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh… Bình Định hiện có gần 11.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 40.400 người sinh sống tập trung theo cộng đồng làng ở 33 xã, thị trấn thuộc các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.

Nguyên Linh

Có thể bạn quan tâm