Năng cao năng lực của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn mặn

Năng cao năng lực của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn mặn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Trí – TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Trí – TTXVN

Các đại biểu đã báo cáo nhiều giải pháp đã áp dụng trong ứng phó với hạn mặn thời gian qua và có nhiều kiến nghị với Đảng, Chính phủ. Các giải pháp phổ biến là: nạo vét kênh nội đồng, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên kênh, rạch, trong các mương vườn; tuyên truyền để nông dân tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt. Phần kiến nghị tập trung vào sự hỗ trợ của Nhà nước do hạn mặn gây ra.

Nhiều đại biểu cho rằng mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha là thấp, cần xem xét điều chỉnh tăng thêm; hỗ trợ cho hộ nghèo dụng cụ chứa nước. Có ý kiến đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội cho vay với đối tượng không phải là hộ nghèo, cũng không phải là hộ cận nghèo. Những hộ này không có khả năng vay vốn ở Ngân hàng thương mại mà vay ở bên ngoài với lãi suất cao; đề nghị ngân hàng khoanh nợ đối với nông dân bị thiệt hại do hạn mặn gây ra, hiện không có khả năng trả nợ ngân hàng.

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Phạm Minh Hùng cho rằng, tình hình hạn mặn gay gắt trong năm nay đã được dự báo trước nhưng công tác ứng phó chưa được tập trung nên nhiều tỉnh bị thiệt hại nặng. Mặt khác, nhiều nông dân ý thức phòng chống hạn mặn chưa cao, lại chủ quan nên thiếu sự tích trữ nước ngọt cần thiết trong sản xuất và sinh hoạt. Ông Hồ Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị: Chính phủ xem xét xây đê, cống ven biển chống xâm nhập mặn; thành lập Ban điều tiết nước cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, hạn mặn đã gây thiệt hại cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hơn 240 ngàn ha lúa; 101 ngàn ha cây công nghiệp; 55 ngàn ha cây ăn trái; 18 ngàn ha hoa màu; 390 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại ước tính 2.280 tỉ đồng.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam lưu ý ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn làm cho sản xuất bất lợi; nông dân bất an; nông thôn bất ổn. Vì vậy, đối với Hội Nông dân các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân vượt qua khó khăn hiện nay. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu để có giải pháp ứng phó và cả thích ứng với hạn mặn trong những năm tới. Trước mắt, Hội Nông dân cần tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nói “không" với chăn nuôi, sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

 

Hội Nông dân Việt Nam sẽ kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương, các Viện, trường nghiên cứu tạo ra giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, trước mắt khuyến khích nông dân nuôi vịt biển. Hiện, tỉnh Trà Vinh đã nuôi thử nghiệm vịt biển thành công./.

Có thể bạn quan tâm