Năm mặt hàng góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp

Năm mặt hàng góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp
Hộ nông dân thu lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ liên kết nuôi cá tra bền vững với doanh nghiệp. Ảnh : Vũ Hữu Sinh - TTXVN
Hộ nông dân thu lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ liên kết nuôi cá tra bền vững với doanh nghiệp. Ảnh : Vũ Hữu Sinh - TTXVN
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tái cơ cấu ngành trồng trọt tạo thêm động lực, tăng trưởng theo chiều sâu. Ngành hàng lúa gạo tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả nhưng vẫn tiếp tục đóng góp quan trọng trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; trong đó, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2018. Nhờ tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch, sản phẩm xoài đã từng bước được áp dụng cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc. Nhiều nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu. Xoài Cao Lãnh hiện đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Ước giá trị sản xuất ngành hàng xoài đạt 1.899 tỷ đồng, tăng 269 tỷ đồng so năm trước. Cùng đó, ngành hàng hoa cảnh đã tạo được sự kết nối giữa người dân với doanh nghiệp để phát triển du lịch. Tổng diện tích hoa cảnh của Đồng Tháp năm 2019 là 2.850 ha, giá trị sản xuất đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 117 tỷ đồng so năm 2018. Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao đã ứng dụng thành công công nghệ nhân giống, sản xuất hoa trong nhà màng, nhà lưới với hệ thống cảm biến điều khiển tự động, tạo điều kiện để người dân tham quan, học tập, ứng dụng vào sản xuất. Đối với ngành hàng vịt, toàn tỉnh có 5 tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Do giá trứng giảm, các hộ nuôi bán trứng cho thương lái địa phương nên chưa khôi phục lại chuỗi liên kết cung ứng - sản xuất - tiêu thụ. Ước giá trị sản xuất ngành hàng vịt năm 2019 đạt 637 tỷ đồng. Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, Đồng Tháp hiện có 20 doanh nghiệp nuôi xuất khẩu với diện tích 932 ha, chiếm 62% diện tích nuôi toàn tỉnh; trong đó có hơn 827 ha nuôi cá tra được chứng nhận sản xuất an toàn. Việc hình thành chuỗi sản xuất ổn định giúp phát triển nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần tăng giá trị toàn ngành. Năm 2019 giá trị sản xuất ngành hàng cá tra đạt 8.639 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so năm 2018. Năm 2020, Đồng Tháp tiếp tục đưa sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị, có thị trường mang lại hiệu quả cao cho sản xuất; phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 44.184 tỷ đồng; sản lượng lúa đạt 3,1 triệu tấn, cá tra 560.000 tấn, xoài 140.000 tấn…
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm