Năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ giảm trên 60% lượng phù sa bồi đắp

Năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ giảm trên 60% lượng phù sa bồi đắp
Quang cảnh hội thảo. Ảnh : Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh : Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Tình trạng sạt lở do thiên tai gây ra đang tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có 526 điểm sạt lở với chiều dài gần 800km, trong đó có 57 điểm đặc biệt nguy hiểm, cần xử lý ngay bằng giải pháp công trình. Hội thảo nhằm nhìn nhận lại các biện pháp kỹ thuật, mô hình tốt nhất, từ đó tập trung đầu tư, huy động nguồn lực để ứng phó, thích ứng tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Chia sẻ về thực trạng tại tỉnh Cà Mau trong những năm qua, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, từ năm 2007 - 2014, địa phương  mất khoảng 7.800ha đất rừng ven biển, trên 100km ven biển bị sạt lở nghiêm trọng và diễn ra quanh năm. Tỉnh vận dụng nhiều cơ chế, huy động các nguồn lực, từ đó đã xây dựng được 18km kè, không những ngăn ngừa tình trạng sạt lở mà còn gây bồi tạo bãi, khôi phục được đai rừng phòng hộ. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, thí điểm nhiều điểm kè nhằm giảm suất đầu tư, tạo tính ổn định cho bờ biển... Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, theo ước tính, để đảm bảo an toàn cho người dân, địa phương phải di dời trên 8.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở. Trong đó, cấp thiết là khoảng 6.000 dân đang sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi an toàn. Thời gian qua, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí tái định cư cho người dân trong khu vực sạt lở bởi không chỉ thiếu nguồn đất đai để thực hiện mà còn về điều kiện tổ chức sinh kế cho các hộ dân chưa được đảm bảo. Thực trạng này diễn ra nghiêm trọng nhất là khu vực sông Tiền có dòng chính chạy qua Đồng Tháp khoảng 123km, trong đó có đến 101km bờ sông bị xói lở. Từ năm 2005 - 2018, Đồng Tháp mất trên 322ha đất do nước cuốn trôi. Tại hội thảo, đại diện một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đưa ra những con số đáng báo động về hậu quả sạt lở cả bờ sông lẫn bờ biển. Năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hàng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 điểm cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 1.000 tỷ đồng xử lý sạt lở từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và 36 triệu USD từ dự án WB, ADB... Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thực tiễn triển khai cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách nên kết quả đạt được chưa cao. Một số giải pháp kỹ thuật nếu không được điều chỉnh kịp thời có thể gây mất ổn định công trình, lãng phí trong đầu tư. Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đưa ra một thực tế: Dự báo đến năm 2020, lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm từ 60 - 65 % so với năm 2017. Nếu theo tốc độ xây dựng hồ, đập này thì đến năm 2040, lượng phù sa sẽ chỉ còn 3 - 5%. Từ đó, tình trạng sạt lở sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Để hạn chế vấn đề này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, việc chia sẻ hài hòa lợi ích nguồn nước với các nước thượng nguồn Mekong là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, chúng ta cần quản lý nguồn khai thác cát và nguồn nước ngầm để tránh nguy cơ "vùng Đồng bằng sông Cửu Long tự chìm trước khi nước biển dâng".
Huỳnh Anh

Có thể bạn quan tâm