Mùa xuân mới trên vùng tái định cư ở huyện Đà Bắc

Mùa xuân mới trên vùng tái định cư ở huyện Đà Bắc
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, ông Nguyễn Đức Dũng cho biết: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể, sự chủ động của người dân vùng lũ, đến nay cơ bản người dân đã có cuộc sống ổn định, yên tâm lao động và sản xuất. Trong đó, 5 khu tái định cư tại các xã: Suối Nánh, Mường Chiềng, Tiền Phong, Vầy Nưa, Đồng Ruộng đã được đầu tư ước tính khoảng hơn 50 tỷ đồng, giải quyết chỗ ở cho hàng trăm hộ dân sau khi di dời khỏi vùng nguy hiểm. Các hộ dân mất trắng sau mưa lũ được chính quyền các cấp kịp thời hỗ trợ lương thực, cây, con giống để ổn định cuộc sống và sản xuất. Ngoài ra, huyện Đà Bắc cũng đã dành nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để tu sửa các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu dân sinh.

Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chính quyền huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiến hành rà soát, nắm tình hình, từ đó lên danh sách các hộ khó khăn để có phương án hỗ trợ, đảm bảo cho người dân, nhất là người dân vùng thiên tai được đón một cái tết ấm áp, đầy đủ... ông Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm.

Ghi nhận tại khu tái định cư xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, sau cơn bão lịch sử tháng 10/2017, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép để đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bàn giao mặt bằng cho các gia đình. Đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, khu tái định cư xóm Lau Bai được quy hoạch 4,8 ha, với 33 hộ dân (127 nhân khẩu) đang sinh sống ổn định. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đầy đủ, đồng bộ, với hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm... được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các hộ dân di dời đến nơi an toàn, chính quyền các cấp đã tuyên truyền, vận động người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo; trong đó, tận dụng vị trí địa lý tiếp giáp lòng hồ Hòa Bình để phát triển nghề nuôi cá lồng. Theo thống kê, các hộ dân trong khu tái định cư đã mở rộng và phát triển quy mô trên 40 lồng cá, chủ yếu là các giống cá lăng, chiên, trắm đen. Một số hộ tiếp tục phát huy lợi thế tài nguyên rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất lên gần 100 ha cây keo, luồng. Bên cạnh đó, sau khi ổn định chỗ ở, nhiều hộ đã tận dụng diện tích vườn nhà để trồng trọt, chăn nuôi.

Anh Lý Quang Hoàng, khu tái định cư xóm Lau Bai, xã Vầy Nữa, huyện Đà Bắc chia sẻ: Chỗ ở cũ của gia đình nằm cheo leo trên đồi, cứ mưa đến là lại nơm nớp lo sợ bị sạt lở. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức thực hiện chính sách di dân đến nơi ở tái định cư mới, anh Hoàng vay mượn thêm từ gia đình, bạn bè để dựng căn nhà mới. Tiếp đó anh Hoàng mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm để khôi phục sản xuất. Đến nay ước tính thu nhập của gia đình đạt 40 triệu đồng/năm, từng bước thoát nghèo. 

Với niềm phấn khởi có được nơi định cư khang trang, an toàn, nhiều gia đình khu tái định cư chuyên tâm vào lao động, sản xuất nâng cao thu nhập. Anh Lý Văn Thân, khu tái định cư Lau Bai cho biết: Hiện nay gia đình mở rộng quy mô 10 lồng cá, trong đó cá trắm đen có giá từ 120.000- 150.000 đồng/kg, cá chiên khoảng 400.000 đồng/kg. Năm 2018, lợi nhuận của gia đình anh Thân ước đạt khoảng trên 100 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2015 – 2020, hiện nay đời sống gia đình anh Thân nói riêng, nhiều gia đình xã Vầy Nưa nói chung đã được cải thiện rất nhiều. Trong thời gian tới, gia đình anh Thân sẽ tích cực tham gia các lớp tập huấn để cải thiện, nâng cao kỹ thuật nuôi cá lồng. Qua đó nâng cao năng suất và khẳng định chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc Bùi Văn Kỳ cho biết, được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, về cơ bản người dân định cư xóm Lau Bai đã ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất để bà con tập trung nguồn lực vào lao động sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình và địa phương.

Khu tái định cư Tân Hương, xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc hình thành trên diện tích 3 ha, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 25 hộ, 111 nhân khẩu. Ước tính trong giai đoạn 2017- 2018, Nhà nước đã bố trí kinh phí 19 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm... đáp ứng nhu cầu dân sinh. Chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội đã hỗ trợ gần 900 triệu đồng để cứu đói, mua sắm đồ dùng gia đình và khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân. Ước tính mỗi hộ được hỗ trợ khoảng 35 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng, ông Đinh Công Lâm cho biết: được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 14,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng; tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 88%, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ 12%. Toàn bộ các hộ dân trong xã đã có điện, nước sinh hoạt hàng ngày, đời sống nhân dân dần ổn định.

Vượt qua khó khăn, nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội và đặc biệt là nỗ lực của người dân địa phương, huyện Đà Bắc đã dần khôi phục đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Dịp Tết này, những hộ dân tại các điểm sạt lở đã định cư ở khu đất mới an toàn, khang trang để đón mùa xuân tới.
Thanh Hải

Có thể bạn quan tâm