Mở lối thoát cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển

Mở lối thoát cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển
Ông Nguyễn Hùng Tráng, Trưởng làng nghề mộc Minh Đức chia sẻ, với trên 180 hộ làm nghề dù đã tồn tại hơn 50 năm nhưng đến nay vẫn chưa có sự khởi sắc. Không những thế, sản phẩm của làng nghề Minh Đức sản xuất ra không thua kém các sản phẩm nổi tiếng ở trong nước nhưng do thiếu vốn và thiếu thị trường tiêu thụ nên việc sản xuất ra các sản phẩm chỉ mở mức bình thường hoặc cầm chừng vì thế làng nghề mộc phát triển chưa bền vững. Nhiều lao động phải đi nơi khác để làm nghề, mở xưởng bởi nếu tập trung cả ở làng thì sản phẩm làm ra dù tốt cũng không bán được giá cao. 

Còn ở làng nghề nón lá làng Dền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh đã tồn tại gần 100 năm nhưng cũng chỉ làm “nhỏ giọt”, thậm chí đang có nguy cơ mai một do thị trường ngày càng thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào cao, nhiều lao động không còn tha thiết với nghề mặc dù thời gian gần đây đã có nhiều tour du lịch trong nước và quốc tế đến làng nghề. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Hán Xuân Đang, Chủ tịch UBND xã Gia Thanh cho biết, thời điểm năm 2011 làng nghề đã có tổ chức quốc tế đến dạy nghề làm các sản phẩm lưu niệm từ lá cọ như ví, bìa sổ, móc chìa khóa... phục vụ du lịch nhưng sau đó không phát triển được. Nếu chỉ sản xuất đơn thuần sản phẩm truyền thống là nón lá thì rất khó có thể tồn tại trong cơ chế thị trường hiện nay... 

Phú Thọ hiện có 69 làng nghề với 4 nhóm ngành nghề gồm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; thủ công mỹ nghệ; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh. Các làng nghề đã thu hút hơn 27.000 hộ tham gia lĩnh vực ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho 46.571 lao động. Trong đó, tính riêng nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ đã có 20 làng nghề với 8.970 lao động, thu nhập đạt bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, tổng doanh thu hằng năm đạt trên 270 tỷ đồng với sản phẩm chủ yếu là đồ mộc gia dụng, nón lá truyền thống, quần áo thổ cẩm, ván ép. Một số sản phẩm làng nghề có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của tỉnh, tăng giá trị sản xuất hàng hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 

Tuy nhiên, trên thực tế, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Phú Thọ đang gặp nhiều khó khăn do sản xuất chủ yếu theo kiểu tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề lao động không đồng đều. Đặc biệt, các cơ sở vẫn chưa chú trọng đến chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm của mình, do đó còn có hiện tượng hàng không đảm bảo, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cùng đó, những khó khăn trong tiếp cận vốn khiến quy mô sản xuất của các làng nghề khó có thể mở rộng, mang tính thời vụ, dẫn đến tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, làm cho các làng nghề không thể bứt phá. Việc không tạo dựng được thương hiệu khiến năng lực tiếp cận các thị trường lớn, thị trường mới rất hạn chế, phần lớn sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều phải xuất khẩu qua khâu trung gian. Mặt khác, đa số sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ ở làng nghề vẫn sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, khả năng quản lý điều hành cơ sở sản xuất của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề còn chưa cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các làng nghề còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông hoặc theo hình thức truyền nghề… 

Để mở lối thoát cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ này phát triển, ông Ngô Trọng Mỹ, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn cho hay, phải giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, các làng nghề thủ công mỹ nghệ cần phải tìm cách cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm theo thị hiếu, yêu cầu của thị trường và phải kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại. Ngoài kế thừa những kiến thức dân gian trong quy trình chế tác, có thể làm bằng tay ở những công đoạn thể hiện nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm thì cần áp dụng một phần công nghệ vào một số công đoạn của quá trình sản xuất, qua đó sẽ khiến cho mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống. Có như vậy sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. 

Tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành kế hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020, trong đó nhấn mạnh phải gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống. Đồng thời, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới để tạo cơ hội lớn cho sản phẩm làng nghề có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng khả năng xuất khẩu nhất là những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, hàng thủ công mỹ nghệ có nguyên liệu xuất xứ từ thiên nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện giúp đỡ các làng nghề truyền thống mở lớp đào tạo nghề để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn các làng nghề đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; xây dựng các trang web chuyên giới thiệu về sản phẩm của các làng nghề; tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để sản phẩm làng nghề được tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngoài ra, việc phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống cũng là một giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội ở làng nghề truyền thống nói chung theo hướng tích cực và bền vững vì ở các làng nghề truyền thống luôn có sức hấp dẫn mới lạ thu hút du khách nhất là các du khách quốc tế nhưng bên cạnh đó phải gắn với việc xử lý môi trường tại các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường. 

Bảo tồn làng nghề góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Tuy nhiên để các làng nghề thủ công mỹ nghệ có thể tồn tại và đứng vững trong cơ chế thị trường rất cần giải pháp đồng bộ, cần một chiến lược dài hơi và quan trọng hơn cả, các làng nghề cần năng động, tự bứt phá để tìm hướng đi phù hợp với xu hướng thị trường./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm