Mặn xâm nhập cách các cửa sông chính tại Bến Tre khoảng 30km

Mặn xâm nhập cách các cửa sông chính tại Bến Tre khoảng 30km
Đoạn kè mềm bằng túi Geotube dài khoảng 30m được xây dựng thí điểm tại bờ biển khu vực xã Thạnh Phong. Ảnh : Công Trí-TTXVN
Đoạn kè mềm bằng túi Geotube dài khoảng 30m được xây dựng thí điểm tại bờ biển khu vực xã Thạnh Phong. Ảnh : Công Trí-TTXVN
Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt, bão tỉnh Bến Tre Nguyễn Quang Thương, cho biết, trước dự báo năm nay nước mặn sẽ xâm nhập sớm, ngay từ đầu tháng 8/2019, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch để phòng, chống hạn mặn mùa khô 2019-2020 với tinh thần chủ động. Theo đó, trên cơ sở kế hoạch của tỉnh ban hành từ tháng 8/2019, hiện nay các địa phương đã chủ động triển khai phòng, chống hạn mặn. Đến nay, người dân ở các địa phương trong tỉnh cũng đã mua sắm các dụng cụ trữ nước phục vụ cho sinh hoạt trong các tháng mùa khô. Riêng sản xuất nông nghiệp, tỉnh khuyến cáo không sản xuất lúa vụ 3, tuy nhiên, có những nơi chủ động được nguồn nước thì vẫn sản xuất nhưng số diện tích này rất ít. Ông Nguyễn Quang Thương cho hay, hiện mùa mưa sắp kết thúc, mặn đang tiến vào các sông chính trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đáng chú ý, thời gian tới, các đợt gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh do không khí lạnh liên tục tăng cường, kết hợp với các kỳ triều cường và mực nước thượng nguồn đang ở mức rất thấp, nên dự báo độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng và xâm nhập sâu vào các sông trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng có liên quan khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn… để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Đặc biệt là các cửa cống phải đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt. Về sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố tăng cường dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó cho phù hợp. Ngoài ra, tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người dân trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và vận động người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ… để ngăn mặn, trữ ngọt. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt. Đồng thời, khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp; kiên quyết không để người dân sản xuất ở khu vực có nguy cơ thiếu nước.

Công Trí

Có thể bạn quan tâm