Luật Trồng trọt có hiệu lực giúp gắn sản xuất với công nghiệp chế biến nông sản

Luật Trồng trọt có hiệu lực giúp gắn sản xuất với công nghiệp chế biến nông sản
Người dân huyện Tam Đường (Lai Châu) thu nhập ổn định nhờ việc chọn phát triển cây chè chất lượng cao Kim Tuyên. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
 Người dân huyện Tam Đường (Lai Châu) thu nhập ổn định nhờ việc chọn phát triển cây chè chất lượng cao Kim Tuyên. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
* Luật Trồng trọt xác định phát triển ngành theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu. Điều gì của Luật sẽ định hướng được ngành phát triển theo hướng trên? - Luật Trồng trọt quy định hoạt động trồng trọt phải phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác. Theo đó, việc sản xuất cần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước, quy trình sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp sẽ phát huy lợi thế vùng, gắn với bảo tồn giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa; bảo vệ hệ thống canh tác bền vững, di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới; đồng thời chủ động dự báo, phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại cây trồng; thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hoạt động sản xuất phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và tuân thủ điều ước quốc tế.* Luật Trồng trọt lần đầu tiên quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt. Ông có thể thông tin rõ hơn về điều này? -  Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt là hệ thống thông tin liên quan đến trồng trọt, được xây dựng thống nhất từ Trung ương đến địa phương; được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác phục vụ xây dựng chiến lược phát triển ngành, phục vụ trong chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý chuyên ngành trồng trọt các cấp. Ngoài ra, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt và quản lý bằng công nghệ thông tin. Đó là cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, về sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, về dinh dưỡng đất, sử dụng đất trồng trọt, giống cây trồng, phân bón, nước tưới và cơ sở dữ liệu khác về trồng trọt.* Các trường, viện nghiên cứu và cả doanh nghiệp đều rất quan tâm về việc công nhận giống cây trồng. Vậy có điểm gì mới trong Luật nhằm khuyến khích các đối tượng tham gia nghiên cứu giống không, thưa ông? - Luật Trồng trọt điều chỉnh các quy định về quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và năng lực quản lý; giảm thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng giữa các chủ thể tham gia hoạt động trồng trọt, minh bạch trong quản lý. Việc quản lý mang nặng định tính sẽ được chuyển sang quản lý bằng tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm. Đặc biệt là xã hội hóa trong khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận phù hợp, từng bước xã hội hóa công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, khuyến nông. Chẳng hạn, đối với giống cây trồng không phải là cây trồng chính, chủ sở hữu giống không cần thực hiện khảo nghiệm mà được phép tự công bố lưu hành giống cây trồng. Trước khi công nhận lưu hành vẫn phải thực hiện khảo nghiệm, nhưng rút ngắn quy trình và thời gian khảo nghiệm. Luật cũng cho phép công nhận lưu hành đặc cách đối với các giống cây trồng chính đã sử dụng rộng rãi trong sản xuất. Các thủ tục thẩm định công nhận lưu hành giống cây trồng đã được rút bớt.* Với mục tiêu phát triển theo định hướng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm trồng trọt, Luật Trồng trọt có các chính sách gì? -  Các chính sách trong Luật tập trung theo hướng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, phát triển thị trường và thương mại sản phẩm; liên kết, hợp tác xây dụng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, thương mại trong nước và xuất khẩu. Luật tạo môi trường công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp đầu tư bảo quản chế, chế biến, thương mại sản phẩm cây trồng. Luật cũng tác động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng ổn định cho các doanh nghiệp chế biến; tăng giá trị nông sản, an toàn về sinh thực phẩm được đảm bảo, thị trường tiêu thụ mở rộng góp phần phát triển sản xuất trồng trọt tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động. Các phụ phẩm cây trồng được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường và lan truyền sinh vật gây hại. Ngoài ra, Luật cũng tháo gỡ rào cản để sản phẩm cây trồng của Việt Nam được nhập khẩu vào các quốc gia và vùng lãnh thổ; giảm thủ tục hành chính tiết kiệm cho doanh nghiệp về thời gian và chi phí.* Việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến nay là như thế nào, thưa ông? - Luật Trồng trọt được xây dựng thay thế Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Đến nay, Chính phủ ban hành 2 nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đó là: Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt và sẽ trình Chính phủ ký trong quý 2/2020. Cùng với các nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các thông tư hướng dẫn; đồng thời chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức liên quan hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.* Xin cảm ơn ông!
Bích Hồng (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm