Lớp học cho con công nhân Khmer

Lớp học cho con công nhân Khmer
Cô giáo Trần Thị Minh Thư dạy các em người Khmer học toán. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN
Cô giáo Trần Thị Minh Thư dạy các em người Khmer học toán.
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Bé Lâm Thị Phôi đang học chương trình lớp 3 tại một trong 5 lớp phổ cập do Công ty Cổ phần dệt Đông Quang mở trong khu lưu trú cho công nhân. Lớp học cũng như các phòng để ở khác, rộng khoảng 12 mét vuông, được dành riêng cho việc học. Cũng giống như các bạn, Phôi theo ba mẹ khi họ chuyển từ quê An Giang lên đây làm công nhân. Cùng học lớp 3 với Phôi, có bạn 9-10 tuổi, cũng có bạn 14 tuổi nhưng các em có chung một niềm vui là từ chỗ chỉ biết nói tiếng Khmer, nay đã đọc rành tiếng Việt và làm được toán cộng trừ nhân chia. “Năm nay con 11 tuổi, trước con học lớp bên kia (ở biên giới thuộc tỉnh An Giang – PV) nay chuyển lại đây. Ở quê, con cũng học lớp 3, lên đây con  được các cô dạy học, thấy rất vui. Mấy bạn cũng cùng chơi với con rất vui. Học ở đây cũng không tốn tiền” - bé Lâm Thị Phôi cho biết.

Bé gái K Ly Ka là dân tộc Kinh nhưng có tên người Khmer, vì trước khi cùng ba mẹ lên đây làm việc, Ly Ka chỉ giao tiếp với thầy cô và những người xung quang bằng tiếng Khmer. Ly Ka cho biết, hàng ngày ba mẹ đi làm, em vẫn có thể tự đi từ nơi ở qua lớp học mà không cần đưa đón. Đối với em, được gặp bạn bè, thầy cô, được biết đọc, biết viết và biết làm toán là niềm vui rất lớn. Do vậy, em không bỏ bữa học nào.

Lớp học trong khu lưu trú cho con công nhân của Công ty Cổ phần dệt Đông Quang được mở từ năm 2012. Hiện nay, ở đây đang duy trì 5 lớp mỗi ngày (sáng 2 và chiều 3 lớp), gồm trình độ từ lớp mẫu giáo đến lớp 3 với 74 học sinh, trong đó có 11 em là người Kinh, còn lại là người Khmer; một thầy người Khmer và một cô giáo người Kinh đứng lớp. Để các em đọc, viết tiếng Việt và làm được toán là sự cố gắng không nhỏ của thầy và trò nơi đây.

Lớp học của con công nhân người dân tộc Khme. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN
Lớp học của con công nhân người dân tộc Khme.
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Cô giáo Trần Thị Minh Thư, 31 tuổi, đã làm việc ở đây được 7 năm, từ những ngày đầu Công ty mở lớp cho các em. Cô Thư cho biết, tốt nghiệp ngành Sư phạm ở Quảng Ngãi, cơ duyên đã đưa cô đến đây thi tuyển làm giáo viên dạy cho con công nhân tại Công ty. Công việc ở đây rất vui nhưng cũng nhiều áp lực. Khi cô mới lên đây dạy học, các em hoàn toàn không biết tiếng Việt. “Mình phải bắt đầu dạy từ đầu, từ những chữ cái. Mình phải nhờ thầy dạy cùng là người Khmer làm phiên dịch. Rồi dạy từ từ, từ chữ cái, đến vần, tiếng rồi tới ghép thành câu thành đoạn. Nói chung là khó khăn nhưng mình dạy lâu rồi, mấy em cũng biết đọc, biết viết rồi biết làm toán, trong lòng rất là vui vì những cố gắng của mình đạt được kết quả” - cô Thư chia sẻ.

Thực tế, đa số công nhân từ quê An Giang lên đây làm việc còn nhiều khó khăn vật chất. Việc phải lo đi làm kiếm tiền khiến họ không quan tâm đến việc cho con đi học. Từ năm 2012, Công ty mở lớp học phổ cập bậc Tiểu học trong khu lưu trú cho con công nhân công ty. Tất cả quần áo sách vở, dụng cụ học tập cho các em đi học đều được Công ty hỗ trợ. Ban Quản lý khu lưu trú còn thường xuyên vận động không để em nào ở nhà mà không đến lớp học.

Lớp học của con công nhân người dân tộc Khmer. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN
Lớp học của con công nhân người dân tộc Khmer.
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần dệt Đông Quang cho biết, qua mỗi năm, điều kiện vật chất và ý thức cho con đi học của người lao động trong Công ty tăng. Nhiều gia đình cho con ra trường công học. “Đó là điều lãnh đạo Công ty rất vui mừng. Chủ trương của Công ty từ khi mở lớp là xóa mù chữ và dạy các em cách sống, giúp các em biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia đơn giản, nếu có điều kiện qua trường chính quy học có thể bắt kịp. Nên dù gặp khó khăn hay không, nếu nhận thấy còn nhiều con công nhân không được đi học, chúng tôi còn duy trì lớp học này, giúp khơi gợi niềm đam mê học cho nhiều trẻ em không có điều kiện đến lớp” - ông Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.
Đức Hạnh

Có thể bạn quan tâm