Lãng phí “đất vàng” tại Bạc Liêu

Lãng phí “đất vàng” tại Bạc Liêu
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư  
Hiện tại trên địa bàn thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có 5 dự án đã được UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cho thuê đất thu tiền hàng năm. Đồng thời, giao đất không thu tiền để lập dự án đầu tư xây dựng các công trình thì hầu hết các nhà đầu tư không tiến hành xây dựng theo mốc thời gian cam kết ban đầu. 
Khu đất hơn 16.000m2 giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, bỏ hoang nhiều năm qua Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Khu đất hơn 16.000m2 giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, bỏ hoang nhiều năm qua Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Cụ thể, năm 2014 UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định số 2202/QĐ-UBND phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cho thuê đất thu tiền thuê hàng năm để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại-Dịch vụ- Giải trí (giai đoạn 1). Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Nguyễn Kim, do ông Nguyễn Thanh Sử, Chủ tịch Công ty đại diện.

Dự án có tổng diện tích hơn 4.000 m2, mục đích sử dụng đất “đất thương mại, dịch vụ”, thời hạn sử dụng đất 50 năm và giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm 504.050 đồng/m2. Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, công ty này đã nộp tiền hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và tiền thuê đất hàng năm 12 tỷ đồng cho tỉnh. Sau đó, công ty tiến hành thăm dò địa chất và khởi công dự án.

Vào thời điểm này, người dân Bạc Liêu ai thấy cũng mừng vì khu đất vàng nằm ngay trung tâm tỉnh lỵ đã chọn đúng nhà đầu tư, có đủ năng lực về tài chính. Điều này, sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng công trình để sớm đưa vào sử dụng, góp phần cho bộ mặt đô thị của thành phố Bạc Liêu ngày một khang trang. Thế nhưng, sau  lễ khởi công long trọng, dự án trên “trùm mền” đến nay.
 
Tiếp đó, ngày 17/5/2016, UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định số 710/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm để tiếp tục thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại-Dịch vụ- Giải trí (giai đoạn 2), tại phường 3, thành phố Bạc Liêu, với diện tích khu đất gần 11.900 m2 (vị trí đất nằm liền kề với khu đất trúng thầu giai đoạn 1), do ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, tại Thành phố Hồ Chí Minh đại diện trúng thầu.
Khu đất gần 95.000 m2 của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bệnh viện Quốc tế Phương Đông, tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, bỏ hoang 6 năm qua. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Khu đất gần 95.000 m2 của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bệnh viện Quốc tế Phương Đông, tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, bỏ hoang 6 năm qua. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Những tưởng, giai đoạn 2 này công ty này sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng thực hiện dự án sau 5 lần cam kết với UBND tỉnh. Nhưng hết năm này sang năm khác, cả hai giai đoạn trúng thầu hơn 16.000 m2 đất từ năm 2014 đến nay chủ đầu tư Nguyễn Văn Kim chỉ đầu tư được hàng rào bao quanh khu đất dự án.
 
Vào năm 2010, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quyết định số 225/QĐ-UBND thu hồi gần 38.000 m2 đất của Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý và giao cho Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu- Sài Gòn, để xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu- Sài Gòn (tại phường 1, thành phố Bạc Liêu).
 
Sau khi “xí phần” được dự án, chủ đầu tư giao dịch với các ngân hàng để vay vốn đầu tư dự án nhưng không ngân hàng nào nhận cho vay vì không hội đủ các điều kiện để thế chấp. Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu- Sài Gòn chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Golden Dragon Corporate -Tp.Hồ Chí Minh, với quy mô dự án 400 giường bệnh, vốn đăng ký đầu tư 1.369 tỷ đồng.
  
Đây là một trong những dự án hiện đại nhất nhì tại Bạc Liêu được công ty này quảng cáo “hoành tráng” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng rồi, dự án chỉ nằm trên giấy với một khu đất trống bỏ hoang qua nhiều năm, chủ đầu tư thì “biệt tăm”.

Điều đáng nói hơn, trong khi dự án chưa có một tín hiệu lạc quan nào về năng lực tài chính, về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thì vào ngày 6/8/2012 UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ra quyết định số 1886/QĐ-UBND thu hồi gần 25.000m2 đất do Trung tâm Phát triển Quỹ đất quản lý để giao cho Công ty Cổ phần Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu- Sài Gòn đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên và chuyên gia Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu- Sài Gòn.

Cả hai giai đoạn nhà đầu tư này được tỉnh cấp đất không thu tiền với diện tích lên đến hơn 60.000 m2 để sử dụng, nhưng dự án lại tiếp tục rơi vào cảnh “án binh bất động”. Tính đến thời điểm này, dự án đã kéo dài 8 năm, toàn khu đất của dự án “biến” thành cây cỏ mọc um tùm, gây bức xức dư luận trong cán bộ, nhân dân.                                                                                                            
Lúng túng trong xử lý
Mặc dù, hàng loạt dự án được xác định chủ đầu tư không có năng lực về tài chính, không đủ điều kiện để thực hiện, nhưng việc xử lý thu hồi lại dự án thì gần như tỉnh lúng túng theo kiểu “bỏ thì thương vương thì tội”, nên tỉnh tiếp tục kéo dài thời gian cho chủ đầu tư tìm đối tác chuyển nhượng dự án.
 
Điển hình, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Bắc Trung Nam (nay là Công ty TNHH Hai thành viên đầu tư Công nghiệp Bắc Trung Nam), được UBND tỉnh cho thuê hơn 81.640 m2 đất để đầu tư dự án khu du lịch, nhà biệt thự, nhà bungalow, nhà hàng, khu vui chơi giải trí tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, theo Quyết định số 2043/QĐ-UBND ngày 09/10/2008.
 
Đây là dự án được xem như một biểu tượng của sự thành công của tỉnh về kêu gọi thu hút đầu tư mở ra cho cửa biển Nhà Mát Bạc Liêu, tạo nên một diện mạo mới về du lịch biển, giải trí… Thế rồi, cũng giống như các dự án khác, chủ đầu tư gấp rút khởi công, san lấp mặt bằng rồi “đắp chiếu” để đó mãi cho đến 10 năm sau thì UBND tỉnh Bạc Liêu mới ban hành quyết định thu hồi đất dự án. Nhưng đó chỉ về mặt thủ tục, còn phần đất thì chưa thu hồi được vì còn nhiều lý do.
 
Cùng “điệp khúc” trên,  dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bệnh viện Quốc tế Phương Đông được UBND tỉnh ra quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 4/4/2012 giao đất cho Công ty với diện tích gần 95.000 m2, tọa lạc tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Ngay khi giao đất tỉnh Bạc Liêu đã có chính sách ưu ái cho công ty gần 53.000 m2 đất xây dựng bệnh viện là không thu tiền, phần diện tích còn lại dành cho khu du lịch nghỉ dưỡng thì cho thuê dài hạn.
Khu đất gần 95.000 m2 của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bệnh viện Quốc tế Phương Đông, tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, bỏ hoang 6 năm qua. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Khu đất gần 95.000 m2 của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bệnh viện Quốc tế Phương Đông, tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, bỏ hoang 6 năm qua. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Theo quy hoạch, với diện tích trên, công ty thực hiện các hạng mục gồm: xây dựng bệnh viện đa khoa và khu du lịch nghỉ dưỡng với quy mô 500 giường bệnh nội trú, 300 giường nghỉ dưỡng; khu nhà hàng khách sạn đạt chuẩn 5 sao; khu vui chơi giải trí ngoài trời, rừng, biển nhân tạo, hồ…

Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 4.500 tỷ đồng là con số quá lý tưởng cho một dự án đối với tỉnh nghèo như Bạc Liêu. Nhưng đến nay đã 6 năm trôi qua, dự án chỉ thực hiện được đắp bờ bao xung quanh, san lắp được một phần mặt bằng, nhà đầu tư thì “biến mất”, ngành chức năng thì loay hoay đề xuất thu hồi.

Tại Bạc Liêu, hiện không chỉ có nhiều dự án kêu gọi nhà đầu tư nhưng thiếu năng lực về tài chính, mà ngay cả những dự án được đầu tư từ ngân sách rồi sau đó xã hội hóa từ các nguồn lực bên ngoài để đầu tư vào dự án cũng nằm trong thảm cảnh “án binh bất động”.
 
Rõ nhất là Dự án Công viên văn hóa Trần Huỳnh, tuy được tỉnh quy hoạch ngay sau khi tách tỉnh từ năm 1997. Công viên văn hóa Trần Huỳnh là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh với quy mô 14 ha, tọa lạc tại khóm 3,4 phường 7, thành phố Bạc Liêu. Khi dự án đã được hình thành và cơ bản phần giải tỏa, san lắp mặt bằng thì tỉnh mới có chủ trương xã hội hóa kêu gọi các nhà đầu tư trong ngoài tỉnh vào đầu tư.
 
Tiên phong là Công ty Quốc Lâm được giao 4 ha, phần còn lại giao cho 6 đơn vị gồm: Công ty Cẩm Quyên, Trung tâm thể dục thể thao, Trung tâm dịch vụ đô thị, UBND thành phố Bạc Liêu, Nhà văn hóa Thiếu nhi, Công ty Điện lực thành phố quản lý. Nhưng qua nhiều năm nhìn lại, mỗi khi ai có dịp quan lại công viên ai nấy cũng lắc đầu ngán ngẫm trước cảnh tượng nhếch nhác, quán nhậu, quán cà phê, bãi rác…chiếm hết công viên. 

Kiên quyết thu hồi dự án “treo” 
Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cho biết, để khắc phục tình trạng các dự án chậm triển khai hoặc triển khai chậm so tiến độ đăng ký, thời gian qua UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương rà soát các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư nhưng tiến độ thực hiện chậm hoặc đến nay chưa triển khai thực hiện. Từ đó, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết; trong đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì thực hiện. Qua kết quả rà soát và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo UBND tỉnh cụ thể tình hình thực hiện từng dự án, đồng thời có kiến nghị xử lý đối với từng dự án cụ thể.
 
Theo đó, đối với những dự án xét thấy nhà đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện dự án thì UBND tỉnh quyết định thu hồi chủ trương chấm dứt việc thực hiện dự án. Đối với những dự án UBND tỉnh xem xét cho tiếp tục thực hiện dự án thì bắt buộc nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, có cam kết cụ thể tiến độ thực hiện dự án, cụ thể từng mốc thời gian và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án theo tiến độ cam kết của nhà đầu tư. Nếu tiếp tục vi phạm theo tiến độ cam kết, UBND tỉnh sẽ thu hồi chủ trương và chấm dứt hoạt động dự án.
 
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ tiến độ theo cam kết của các nhà đầu tư để đôn đốc thực hiện; kết hợp với rà soát, củng cố các căn cứ pháp lý để tiếp tục thu hồi các dự án chậm triển khai. Đồng thời, sẽ chỉ đạo tiến hành rà soát, điều chỉnh, cập nhật lại quy hoạch các khu đất sau khi thu hồi đảm bảo phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa kiểm soát, nâng cao chất lượng thẩm định để lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực, hạn chế tối đa tình trạng các dự án triển khai chậm do nhà đầu tư yếu về năng lực.
 
Quan điểm của tỉnh là luôn mong muốn việc triển khai dự án của các nhà đầu tư được thuận lợi, thành công. Việc thu hồi dự án của nhà đầu tư là việc làm bất đắc dĩ, nằm ngoài mong muốn của tỉnh. Tuy nhiên, nếu các dự án triển khai quá chậm thì buộc phải thu hồi để không ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh, cũng như đời sống của người dân./.
Huỳnh Sử- Việt Sử
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm