Lần đầu tiên Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới

Lần đầu tiên Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
 Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam là một trong số ít nước nuôi và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn dịch bệnh của các nước nhập khẩu, việc chủ động xây các chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh là hết sức cần thiết và cấp bách. Cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt - Úc tại tỉnh Bạc Liêu được Cục Thú y công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam xuất khẩu tôm vào các thị trường khắt khe nhất trên thế giới, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt- Úc, với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt”, Tập đoàn Việt - Úc đã đưa ra định hướng chiến lược dài hạn thông qua áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành tôm trong cả nước. Để hiện thực hóa khát vọng này, Tập đoàn Việt - Úc đã không ngừng đầu tư công nghệ và con người để tìm ra những giải pháp nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam. Theo ông Tuấn, trước thực trạng ngày càng có nhiều nước trên thế giới đưa ra các rào cản kỹ thuật, yêu cầu tôm và các sản phẩm tôm phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc ít nhất là cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE. Do đó, việc chủ động xây dựng lộ trình cụ thể để xây dựng các chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh là cần thiết và cấp bách.
Đại diện Cục Thú y trao Giấy công nhận An toàn dịch bệnh động vật cho Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
Đại diện Cục Thú y  trao Giấy công nhận An toàn dịch bệnh động vật cho Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
Việc Tập đoàn Việt - Úc có cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn an toàn dịch bệnh đầu tiên tại Việt Nam là bước tiến quan trọng cho cả ngành tôm, mở ra cơ hội lớn cho con tôm Việt Nam có được “tấm vé vàng” để gia nhập vào các thị trường nhập khẩu khắt khe nhất trên thế giới. Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo và giao cho Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ Tập đoàn Việt - Úc tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đến nay, sau 2 năm nỗ lực thực hiện, cơ sở sản xuất tôm giống này đã đáp ứng tiêu chí an toàn dịch bệnh. Trên cơ sở thẩm định về chuyên môn, ngày 5/10/2018, Cục trưởng Cục Thú y đã ban hành Quyết định số 660/QĐ-TY-TS công nhận cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty Cổ phần Việt Úc thuộc Tập đoàn Việt - Úc đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của tổ chức OIE. Phát biểu tại lễ công bố, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Tập đoàn Việt - Úc là doanh nghiệp đi tiên phong, có định hướng phát triển tốt. Tập đoàn đã và đang áp dụng nghiêm túc, chặt chẽ và đầy đủ các biện pháp về quản lý, an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh theo đúng khuyến cáo của OIE trong suốt quá trình xây dựng, vận hành và sản xuất tôm giống, tiến tới là tôm thương phẩm và các hợp phần khác của chuỗi sản xuất tôm để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Theo ông Tiến, đây là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt và thành công lớn không chỉ đối với Tập đoàn Việt - Úc mà cho cả ngành sản xuất tôm. Việt Nam đã có một cơ sở sản xuất tôm giống đầu tiên đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE. Thành công này sẽ mở ra hướng đi mới, bền vững cho ngành sản xuất cũng như xuất khẩu tôm Việt Nam trong tương lai.
Huỳnh Sử

Có thể bạn quan tâm