Lâm Đồng: Tăng cường quản lý lao động, đảm bảo an ninh trật tự trong mùa thu hoạch cà phê

Lâm Đồng: Tăng cường quản lý lao động, đảm bảo an ninh trật tự trong mùa thu hoạch cà phê
Cà phê đến mùa thu hoạch. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Cà phê đến mùa thu hoạch. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Thực tế cho thấy, những năm qua, tình trạng mất an ninh trật tự, án mạng, trộm cắp… do lao động tự do đến địa bàn làm việc đã xảy ra. Để ngăn chặn tình trạng trên, trong mùa vụ 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các huyện phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm theo vụ mùa cà phê. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền trên tất cả địa bàn, nhất là những nơi sử dụng nhiều lao động tự do; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về cư trú, góp phần giảm số người vi phạm pháp luật và số vụ việc phạm pháp xảy ra.

Trong ngày 18/11, Đoàn liên ngành của tỉnh Lâm Đồng gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh đã kiểm tra tình hình hoạt động của hai trung tâm giới thiệu việc làm tại huyện Đức Trọng và Lâm Hà.

Tại Công ty dịch vụ giới thiệu việc làm Đức Hoàng, xã N’Thôn Hạ (huyện Đức Trọng), Đoàn đã kiểm tra giấy phép kinh doanh, các hợp đồng cung ứng lao động, nơi sinh hoạt lưu trú tạm thời của người lao động. Ông Cao Ngọc Khoa - quyền giám đốc Công ty dịch vụ giới thiệu việc làm Đức Hoàng cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã giới thiệu được trên 300 lao động. Khi người lao động đến tìm việc, công ty đã đăng ký tạm trú tại Công an xã, đồng thời đăng ký nơi làm việc cho những lao động này. Hiện lao động tự do ở các địa phương khác đến phục vụ thu hoạch cà phê khoảng 100 người. Các lao động này đều có hợp đồng lao động cụ thể với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, chi phí ăn ở, sinh hoạt và đi lại do các chủ sử dụng lao động chi trả.

Anh Huỳnh Văn Lộc, từ tỉnh Bạc Liêu lên Lâm Đồng để làm việc cho biết, anh cũng thông qua các trung tâm môi giới việc làm để tìm việc làm phù hợp. “Với mức lượng 4,5 triệu đồng/tháng, tôi làm việc cùng với gia đình chủ vườn 8 giờ/ngày, gia đình chủ nhà đối xử rất tốt”, anh Lộc chia sẻ.

Trong khi đó, tại huyện Lâm Hà, có khoảng 40.000 ha cà phê (ngoài ra còn hàng nghìn ha trồng rau, hoa, dâu tằm khác), đến vụ thu hoạch cần khoảng 10.000 lao động nên việc tìm thuê lao động thông qua các cơ sở giới thiệu việc làm hiện nay rất lớn. Thực tế này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn nạn thiếu hụt lao động mùa vụ.

Nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng đang khan hiếm lao động mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: baolamdong.vn
Nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng đang khan hiếm lao động mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: baolamdong.vn
Theo ông Mai Văn Quang - Giám đốc công ty Tâm Đức Lộc (huyện Lâm Hà): “Khi lao động đến tìm việc, chúng tôi đã tư vấn rất kỹ về công việc, mức lương và thời gian làm việc theo quy định. Khi lao động đồng ý đi làm, chúng tôi thực hiện ký hợp đồng, trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc”. Vấn đề đặt ra hiện nay để quản lý tốt số lao động tự do, đòi hỏi việc tuyển dụng, giới thiệu lực lượng lao động từ địa phương khác đến phải được thực hiện kỹ và đúng theo trình tự của Luật Lao động. Trong đó, có bản hợp đồng công việc ghi rõ ràng và cụ thể về việc làm, số tiền lương được hưởng, trách nhiệm và quyền hạn của người lao động cũng như người sử dụng lao động, đặc biệt là người lao động phải có lai lịch rõ ràng, có đầy đủ giấy tờ tùy thân.

Thiếu tá Dương Văn Thăng, Phó trưởng Phòng CP64 - Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Qua kiểm tra, các công ty giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về Luật Lao động. Trong vụ mùa cà phê này, nhu cầu sử dụng lao động rất lớn, đơn vị đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các trung tâm giới thiệu việc làm. Qua đó, quyền lợi của người lao động được đảm bảo, hạn chế tình trạng bóc lột sức lao động của các nhà vườn, chủ trang trại.

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch cà phê và sử dụng lao động vào những việc khác, Lâm Đồng cần sự tăng cường quản lý của hệ thống chính quyền các địa phương và ý thức chấp hành pháp luật của các trung tâm giới thiệu việc làm.
Đặng Tuấn 

Có thể bạn quan tâm