Kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Khó khăn trong hoạt động y tế ở vùng cao Lai Châu

Kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Khó khăn trong hoạt động y tế ở vùng cao Lai Châu
Các trang thiết bị được bố trị hợp lý, dễ sử dụng, luôn sẵn sàng để có thể phục vụ bệnh nhân một cách nhanh nhất. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
 Các trang thiết bị được bố trị hợp lý, dễ sử dụng, luôn sẵn sàng để có thể phục                 vụ bệnh nhân một cách nhanh nhất. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Để “bao phủ chăm sóc sức khỏe” toàn dân cần ưu tiên cho cán bộ y tế ở cơ sở. Tuy nhiên hiện nay, những người làm cán bộ y tế thôn bản sau khi tham gia khóa đào tạo 9 tháng phải làm kiêm cả cán bộ dân số, hoạt động trong điều kiện khó khăn, nhất là ở vùng cao, vùng biên giới với mức phụ cấp chỉ hơn 600.000 đồng/tháng. Chính thu nhập không đảm bảo nên nhiều cán bộ y tế thôn, bản không “mặn mà” với nghề, muốn tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Vì vậy, họ rất cần những chính sách phù hợp để có thể bám trụ và sống được với nghề. Anh Lý Là Dừ, cán bộ y tế bản U Lý Chải, xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết, trước đây, tại địa phương có cán bộ dân số và y tá bản. Tuy nhiên, hiện nay, y tá bản sẽ kiêm luôn công việc cán bộ dân số. Với đặc thù là địa bàn miền núi, có đường biên giới dài, đi lại khó khăn, hơn nữa nhiều người thường sang bên kia bên biên giới làm thuê nên việc tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn. Mức trợ cấp đối với cán bộ y tế thôn bản chỉ có 695.000 đồng/tháng là quá thấp, không đảm bảo cuộc sống. Anh Lý Là Dừ kiến nghị, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ phù hợp để những cán bộ y tế bản đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác và phục vụ nhân dân.
Bác sỹ tại Đơn nguyên điều trị nội trú Dào San đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN
 Bác sỹ tại Đơn nguyên điều trị nội trú Dào San đo huyết áp cho bệnh nhân.
Ảnh: Công Tuyên - TTXVN
Ở các huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, các Đơn nguyên điều trị nội trú (trước đây là phòng khám đa khoa khu vực) hoạt động khá hiệu quả, nhất là đối với những xã vùng cao cách xa trung tâm huyện, thị. Tuy nhiên, về cơ chế hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như, Đơn nguyên điều trị nội trú Dào San của huyện Phong Thổ, điều trị cho hơn 2.600 lượt bệnh nhân nội trú/năm. Tuy nhiên, theo Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, Đơn nguyên điều trị nội trú chỉ là đơn vị khám chữa bệnh, cấp cứu ban đầu nên bệnh nhân không được thanh toán chế độ nội trú. Điều này gây khó khăn cho cán bộ y tế và người dân. Vì thế tính chất của các Đơn nguyên điều trị vùng bị mất chức năng giảm tải cho tuyến trên và việc vượt tuyến vẫn xảy ra. Dược sĩ Hồ Thị Bình, Đơn nguyên điều trị nội trú Dào San cho biết, Đơn nguyên phụ trách khám, chữa bệnh cho nhân dân thuộc 8 xã biên giới trên địa bàn huyện Phong Thổ. Trong quá trình triển khai, đơn vị gặp nhiều khó khăn như: Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe của nhân dân còn hạn chế. Người dân thường xuyên sang bên kia biên giới làm thuê nên vấn đề khám, chữa bệnh, nhất việc quản lý phụ nữ mang thai gặp nhiều khó khăn... Dược sĩ Hồ Thị Bình cho biết thêm, hàng năm lượng bệnh nhân đến điều trị tại Đơn nguyên rất đông. Tuy nhiên, theo Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, bệnh nhân không được thanh toán điều trị nội trú, đây cũng là một trong những khó khăn cho đơn vị. Theo bà Phùng Thị Lai, bác sĩ chuyên khoa I, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, nhờ sự quan tâm của tỉnh Lai Châu cũng như ngành Y tế, những năm gần đây, công tác củng cố mạng lưới y tế cơ sở tại địa phương đã có chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ y tế luôn được quan tâm, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, số bác sĩ đạt 4,6 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ dược sĩ đại học đạt 1 dược sĩ/vạn dân; 180/187 thôn, bản có nhân viên y tế thôn bản hoặc cô đỡ thôn bản hoạt động; 18/18 trạm y tế xã cũng đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn... Ngành Y tế huyện thực hiện theo chế độ của Nhà nước, đối với các xã đặc biệt khó khăn cũng đã được hưởng chế độ thu hút theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân ngày càng nhiều; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế; thiếu đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu như sản, hồi sức cấp cứu, nội, nhi…nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bà Phùng Thị Lai mong muốn, tỉnh Lai Châu cũng như Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với các trung tâm, bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn huyện về đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị. Đặc biệt, có các chế độ chính sách đối với nhân viên ngành Y tế, nhất là đội ngũ y tế thôn bản...Qua đó đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn vùng cao biên giới...
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm