Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Theo Thủ tướng, qua 10 ngày diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều ngày thảo luận, chất vấn và cho ý kiến về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, xây dựng pháp luật, trong đó có những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các ý kiến hết sức đa dạng và sâu sắc, thậm chí có những ý kiến trái nhau nhưng tất cả đều rất thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các vị đại biểu đối với cử tri cũng như đối với đất nước.

Chú trọng phát triển bền vững, luôn kiên định với lý tưởng

Thủ tướng khẳng định, gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo. Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng.

Nhấn mạnh Việt Nam không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ: Thực hiện nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã gần 3 năm, dù tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều mặt không thuận lợi đối với một nước hội nhập sâu như nước ta, nhưng Việt Nam đã giữ được ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao với chất lượng được cải thiện. Thủ tướng đánh giá, thành quả này có được nhờ nỗ lực chung cả cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để phát triển mạnh mẽ và cải thiện hơn nữa cuộc sống của nhân dân. 

Đặt người dân ở vị trí ưu tiên trong chính sách phát triển

Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ phát triển đặt ra trong 5 - 10 năm tới và xa hơn đòi hỏi Việt Nam phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa. Theo Thủ tướng, việc nỗ lực giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt; các ngành, các cấp nêu gương trong việc tiết kiệm công quỹ, quyết liệt chống tiêu cực, lãng phí; cấp lãnh đạo là tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, vì lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp… là những giải pháp cần tiếp tục nỗ lực thực hiện.


Thủ tướng cũng bày tỏ: “Chúng ta cần hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển. Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng lớn lao. Được sự tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là niềm tin mà nhân dân dành cho, các thành viên Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đồng thời, Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa; chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi Ngân sách Nhà nước hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi Ngân sách Nhà nước xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020...

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Đồng thời, ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chóng cháy nổ...

Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng…là những mặt công tác sẽ được đẩy mạnh; song song với việc đảm bảo tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Đồng thời, Chính phủ sẽ nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.
 Hiền Hạnh

Có thể bạn quan tâm