Kpă Meo chu toàn việc nước, làm kinh tế giỏi

Kpă Meo chu toàn việc nước, làm kinh tế giỏi
Anh Kpă Meo chăm sóc vườn ổi 4 ha của gia đình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Anh Kpă Meo chăm sóc vườn ổi 4 ha của gia đình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Anh Kpă Meo là người dân tộc Jrai, sinh năm 1984, hiện là Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Ia O, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Cuối năm 2018, anh là một trong 50 nhà nông trẻ xuất sắc trên cả nước vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 13 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên học hết lớp 9, Kpă Meo phải ở nhà làm kinh tế phụ giúp gia đình. Năm 2002, anh lập gia đình. Nhiệt huyết trong công tác thanh niên, năm 2004 anh được bầu làm Phó Bí thư đoàn xã rồi Bí thư đoàn xã Ia O, huyện Chư Prông. Đảm nhận nhiệm vụ là Bí Thư đoàn xã 3 nhiệm kỳ, đến tháng 4/2019, anh chuyển sang làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Ia O. Suốt quá trình đó, Kpă Meo ham học hỏi, vừa công tác, vừa miệt mài học tập và anh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, có bằng Trung cấp Luật, Trung cấp lý luận chính trị, trở thành Đảng viên.

Sinh ra và lớn lên tại buôn làng cùng 3 nhiệm kỳ là Bí thư đoàn xã, anh Kpă Meo hiểu lý do bà con địa phương vẫn còn nghèo là do chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vẫn nuôi trồng theo tập quán xưa cũ. Mong muốn giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo mà chính mình là tấm gương để bà con tin tưởng, Kpă Meo đã nỗ lực học tập, tham gia nhiều lớp tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật tại địa phương. Anh cũng đi nhiều vùng miền để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm rồi về chắt lọc kiến thức, áp dụng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Năm 2007, anh Kpă Meo mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Khởi nghiệp với 6 sào rẫy của bố mẹ cho, có vốn anh trồng thêm 4 ha cao su, năm 2009 phát triển thêm 3 ha cao su nữa. Những năm cao su được giá, gia đình anh trả được khoản nợ ngân hàng, có thêm tiền gửi tiết kiệm. Hiện vườn cao su 7 ha của gia đình anh đang phát triển tốt, cho thu hoạch quanh năm, là thu nhập chính của gia đình.

Anh Kpă Meo (trước) đang lấy mủ cao su trong vườn nhà. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Anh Kpă Meo (trước) đang lấy mủ cao su trong vườn nhà.
Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Những năm gần đây, khi giá mủ cao su xuống thấp, Kpă Meo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh mua đất, trồng thêm được 4 ha cây ăn trái như mít, ổi và xen canh bơ, sầu riêng. Sau đó, Kpă Meo còn trồng thêm 1 ha chuối, 800 cây cà phê, 800 trụ tiêu. Từ năm 2015 đến nay, anh phát triển thêm mảng chăn nuôi với 20 con bò, 10 con lợn rừng và hơn 100 con gà lấy trứng. Tổng thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 600 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 300-400 triệu đồng/năm.

Mô hình của gia đình anh Kpă Meo thường xuyên tạo việc làm cho bà con buôn làng, nhất là lực lượng thanh niên. Vào mùa thu hoạch, gia đình anh thuê khoảng 20-30 lao động địa phương với chi phí 200.000 đồng/ngày/người và khoảng 8 lao động thường xuyên với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Rất nhiều gia đình trong và ngoài xã nhờ anh hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cách làm mà có thêm kiến thức nuôi trồng, từ đó thay đổi nếp nghĩ cách làm, có thu nhập ổn định hơn trước. Điển hình là gia đình anh Rơ Mah Đắk, ở làng La, xã Ia O, huyện Chư Prông đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Rơ Mah Đắk cho biết cách đây 6 năm, anh lập gia đình riêng nhưng rất khó khăn phải ở nhờ nhà bố mẹ. Anh tâm sự: "Gia đình tôi trồng điều nhưng không đạt năng suất vì không biết cách chăm sóc. Tham quan mô hình trồng xen canh của gia đình anh Kpă Meo, tôi được anh Kpă Meo hướng dẫn cách canh tác mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, từ cách bón phân, làm luống đến chăm sóc cây, thu hoạch. Tôi chuyển đổi sang phương thức trồng xen canh 2 ha điều với các loại cây ăn trái như mít, ổi. Sau 3 năm, vườn cây ăn trái của gia đình cho thu hoạch, cây điều cũng cho hiệu quả cao hơn, trừ chi phí, mỗi năm gia đình cũng tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, xây được nhà, các con được đi học đầy đủ."

Uy tín được gây dựng từ khi làm công tác đoàn, hiện là Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Ia O, anh Kpă Meo đang làm rất tốt công việc của mình. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân xã Ia O thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, anh còn đến từng hộ gia đình vận động bà con chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, không nghe lời kẻ xấu xúi giục gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Điển hình như việc anh đã vận động gia đình ông Siu Sinh, làng Sung O, xã Ia O (đối tượng theo đạo Tin lành –Đêga) quay về phát triển kinh tế cùng dân làng.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm