Kon Tum: Khi rừng mang lại lợi ích cho cộng đồng

Kon Tum: Khi rừng mang lại lợi ích cho cộng đồng
Đồng bào dân tộc ở huyện Kon Rẫy tham gia trồng rừng. Ảnh: TTXVN
Đồng bào dân tộc ở huyện Kon Rẫy tham gia trồng rừng. Ảnh: TTXVN

Khi rừng mang lại lợi ích cho cộng đồng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ý thức được sức mạnh của toàn dân, trong nhiều năm qua, Kon Tum đã tích cực giao đất, giao rừng cho người dân trực tiếp quản lý và bảo vệ. Từ đó, những cánh rừng xanh đã có chủ và được gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt, người dân bắt đầu được hưởng lợi từ việc bảo vệ rừng.

Nhận quản lý và bảo vệ gần 100 hecta rừng, nhiều năm nay tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng tại khu vực làng Đăk Ga, xã biên giới Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) đã giảm rất nhiều. Người dân trong làng ý thức được vai trò của rừng xanh, thanh thiếu niên trong làng không còn sống dựa vào khai thác rừng. Ngày ngày, thanh niên trong làng theo sự phân công của già làng, trưởng thôn, cùng nhau tuần tra, bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán.

Theo già làng A Thắng, nhờ nhận khoán bảo vệ rừng, làng Đăk Ga đã xây dựng được nguồn quỹ rất tốt, hiện mọi hoạt động trong làng không phải quyên góp từ các gia đình. Cùng với việc có nguồn quỹ cho các hoạt động chung của làng, ý thức bảo vệ rừng của người dân cũng được nâng cao, đồng bào không còn vào rừng chặt gỗ, đốt rừng làm rẫy.

Không chỉ dân làng tạo được nguồn quỹ thông qua việc quản lý và bảo vệ rừng, nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp như Công an xã, Dân quân, Đoàn thanh niên… cũng dần xây dựng được nguồn quỹ bền vững thông qua việc nhận khoán và bảo vệ rừng. Thực tế tại các đơn vị chủ rừng ở Kon Tum cho thấy, toàn tỉnh 153 cộng đồng dân cư thôn, 160 nhóm hộ và trên 1.500 hộ gia đình, cá nhân được khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài, với tổng diện tích rừng bảo vệ gần 109.000 ha. Thu nhập bình quân hàng năm của mỗi hộ nhận khoán khoảng 5 triệu đồng; cộng đồng dân cư thôn khoảng 88 triệu đồng; nhóm hộ khoảng 37 triệu đồng.

Đồng bào dân tộc ở huyện Kon Rẫy trồng rừng thay thế góp phần làm tăng độ che phủ của rừng. Ảnh: TTXVN
Đồng bào dân tộc ở huyện Kon Rẫy trồng rừng thay thế góp phần làm tăng độ che phủ của rừng. Ảnh: TTXVN

Giảm gánh nặng bảo vệ rừng cho các đơn vị lâm nghiệp

Khi người dân “mặn lòng” với công tác quản lý và bảo vệ rừng, cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị chủ rừng như Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp… bớt đi gánh nặng quản lý, bảo vệ rừng.

Thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Kon Tum khi chưa triển khai chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi cán bộ lâm nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ một diện tích rừng rất lớn. Tại nhiều đơn vị, một cán bộ phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ từ 30 - 50 hecta, thậm chí hàng trăm hecta rừng. Việc phải “gánh” một diện tích rừng lớn như vậy đã tạo áp lực cho người được giao khoán. Còn hiện nay, khi nguồn kinh phí để thực hiện việc giao khoán và bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, xã… được đảm bảo, gánh nặng quản lý và bảo vệ rừng được san sẻ.

Theo ông Trần Văn Hữu, cán bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy, hiện đơn vị đã giao khoán cho 14 cộng đồng, phấn đấu năm 2018 sẽ giao khoán cho 24 cộng đồng với diện tích được giao khoán hơn 14 ngàn hecta. Việc giao khoán rừng cho các nhóm cộng đồng, các xã trực tiếp quản lý và bảo vệ đã giảm được rất nhiều áp lực cho cán bộ, nhân viên của Công ty. Người dân có trách nhiệm hơn với rừng, tình trạng xâm lấn đất rừng không còn diễn ra. Đặc biệt, người dân đã có thu nhập ổn định từ việc giữ rừng. Ngoài ra, nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng cũng đã đảm bảo thực hiện tốt hơn công tác phòng cháy chữa cháy, giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước cấp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Sau hơn 6 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Kon Tum có trên 360.000 ha rừng thuộc diện cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, 23 đơn vị chủ rừng là tổ chức quản lý trên 289.000 ha; 74 UBND xã, thị trấn quản lý gần 26.000 ha; trên 3.600 hộ gia đình và 22 cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý gần 45.000 ha.

Kể từ khi Kon Tum thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các đơn vị chủ rừng cũng như người dân đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể, ngày càng gắn bó hơn với rừng. Nhiều đơn vị có nguồn quỹ để hoạt động hiệu quả, người dân có thêm thu nhập để nâng cao đời sống; đồng thời nhờ nguồn quỹ này, nhiều diện tích rừng đã được bảo vệ hiệu quả, phát triển xanh tốt, xóa bỏ tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
Quang Thái

Có thể bạn quan tâm