Kon Tum cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng

Kon Tum cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng
Lực lượng chức năng thu gom, tiêu hủy đàn vịt có nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN
Lực lượng chức năng thu gom, tiêu hủy đàn vịt có nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị trong tỉnh khẩn trương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong nhân dân chấp hành nghiêm quy định của Luật Thú y trong việc phòng, chống dịch bệnh cho động vật; không được chủ quan, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương, ban ngành trong tỉnh cần tăng cường công tác kiểm soát, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2019; quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn theo quy định.

UBND  các huyện, thành phố, đặc biệt là thành phố Kon Tum, các huyện: Đăk Hà, Đăk Tô và Ngọc Hồi là các địa phương đang đã có dịch cần xác định công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng cho gia súc và cúm gia cầm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; chủ động phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch. Với địa phương để xảy ra tình trạng thu gom, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, lở mồm long móng; chỉ đạo cơ quan truyền thông bố trí thời lượng thích hợp để tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh Kon Tum cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định. Hướng dẫn các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống để người dân biết, thực hiện... Sở Y tế theo dõi, kiểm tra, quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; theo dõi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây từ động vật sang người để có biện pháp phòng, chống kịp thời....

Hiện dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng ở lợn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã và đang xảy ra trên địa bàn 14 xã, phường của 03 huyện, thành phố với hơn 660 con lợn mắc bệnh đã tiêu hủy. Bệnh cúm gia cầm cũng đã xảy ra tại huyện Ngọc Hồi, đến nay đã có 2 xã có dịch với gần 3.000 con gia cầm mắc bệnh đã tiêu hủy. Hiện các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Cùng với đó, điều kiện thời tiết tại tỉnh Kon Tum hiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán nhanh làm cho dịch bệnh khó kiểm soát, nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.
Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm