Kiên Giang tập trung kiểm soát dịch sốt xuất huyết tại huyện Phú Quốc

Kiên Giang tập trung kiểm soát dịch sốt xuất huyết tại huyện Phú Quốc
Các bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
 Các bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Kiên Giang Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thành Nam cho biết: 9/10 xã, thị trấn thuộc huyện Phú Quốc đều có bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết, số ca nhiễm tập trung nhiều ở thị trấn Dương Đông với 166 ca, thị trấn An Thới 97 ca và xã Dương Tơ 105 ca. Duy nhất còn xã đảo Thổ Châu chưa ghi nhận ca nhiễm sốt xuất huyết nào. Cùng với Phú Quốc, huyện Hòn Đất, 2 thành phố Rạch Giá và Hà Tiên là những địa phương có nhiều ca nhiễm sốt xuất huyết ở Kiên Giang. Hiện Phú Quốc là địa phương được tỉnh Kiên Giang ưu tiên tập trung hỗ trợ phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Đoàn công tác Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đã trực tiếp đến Phú Quốc khảo sát, tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất để khống chế tình hình dịch bệnh. Theo nhận định chung, việc kiểm soát dịch sốt xuất huyết tại Phú Quốc là khá phức tạp, khó kiểm soát, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trên địa bàn huyện Phú Quốc hiện có nhiều khu công nghiệp, resort, khách sạn đang xây dựng, thu hút công nhân từ khắp nơi đổ về làm việc, sinh sống trong các khu nhà tạm. Từ đây xuất hiện nhiều bãi phế thải, các dụng cụ chứa nước không cần thiết, dụng cụ đang dùng cho xây dựng, hố nước, tạo môi trường tốt cho muỗi sinh sản và phát triển. Ngoài ra, tình hình di, biến động dân cư tại Phú Quốc là rất lớn nên những người di cư đến chưa quen với môi trường mới là đối tượng rất dễ nhiễm sốt xuất huyết. Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo huyện Phú Quốc, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh huyện Phú Quốc và chủ trương thực hiện các chiến dịch diệt loăng quăng, phun hóa chất trên diện rộng. Tuy nhiên, tại thị trấn Dương Đông việc phun hóa chất không thực hiện được vì địa bàn tập trung nhiều điểm du lịch, chợ đêm, sẽ ảnh hưởng đến du khách. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, Trưởng Khoa Nhi Bác sĩ chuyên khoa 2 Danh Tý cho biết, từ đầu năm tới nay Khoa Nhi tiếp nhận 218 ca nhiễm sốt xuất huyết, trong đó bệnh chuyển hóa nặng phải điều trị tại bệnh viện là 60 ca. Hiện khoa Nhi tiếp nhận 4 - 7 ca/ngày. Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thành Nam cho biết: “Sáu tháng đầu năm chủ yếu khô hạn, có một vài cơn mưa xuất hiện mà với tần suất dịch bệnh như hiện nay, khi mùa mưa đã đến, khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết là rất cao. Tỉnh Kiên Giang hiện có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 trong 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, cao thứ 11 trong 20 tỉnh, thành Nam Bộ”. Các địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt chiến dịch diệt loăng quăng với khẩu hiệu “Không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết”; phát động các chiến dịch xử lý môi trường, thả cá, vệ sinh lu khạp, vật dụng chứa nước…; thường xuyên kiểm tra, xử lý hàng tuần, không để nước tù đọng; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành theo đúng quy định của Bộ Y tế. Riêng tại huyện Phú Quốc, những việc làm trên chưa được thực hiện triệt để vì diện tích rộng, đất rừng, đất bỏ hoang, bãi phế thải còn nhiều. Chính quyền các xã trong huyện đã cam kết thời gian tới sẽ kiểm soát tốt hơn dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Hồng Đạt

Có thể bạn quan tâm