Kiên Giang kiểm soát chặt việc tái đàn lợn trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi

Kiên Giang kiểm soát chặt việc tái đàn lợn trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi
Phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi lợn. Ảnh: Công Thử - TTXVN
 Phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi lợn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chỉ đạo, đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi… chỉ được phép tái đàn khi đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi tại trang trại, cơ sở. Đối với các huyện, thành phố không phát sinh thêm ổ dịch mới trong thời gian 30 ngày trở lên và đã công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ xem xét cho phép tái đàn đối với từng trường hợp cụ thể. Khuyến cáo hộ chăn nuôi không nên tái đàn lợn đang trong cao điểm dịch bệnh bùng phát, thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn lợn hiện nay để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và mức độ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, khả năng lây lan nhanh cả trong đất liền và hải đảo, phát sinh ổ dịch mới tại nhiều địa phương, nhất là nguy cơ xâm nhiễm vào các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Tính đến cuối tháng 8/2019, toàn tỉnh có 2.147 hộ chăn nuôi với 512 ấp, khu phố ở 116/145 xã, phường và thị trấn của 14/15 huyện, thành phố có lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy gần 34.000 con, suy giảm nghiêm trọng đàn lợn của tỉnh. Hiện, đàn lợn của tỉnh khoảng hơn 211.000 con, đạt trên 50% kế hoạch năm 2019, bằng 68,3% so với cùng kỳ năm 2018, giảm hơn 97.750 con.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá lợn hơi trên thị trường tăng lên 38.000 - 40.000 đồng/kg so với trước đó chỉ ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg nên nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương tái đàn để cung ứng nguồn thịt lợn thương phẩm cho thị trường vào dịp cuối năm dự báo có nhu cầu lớn và giá tăng cao.

Trong khi đó, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chậm phát triển, quy mô chủ yếu là hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học và phân tán trên diện rộng nên công tác kiểm soát, phát hiện xử lý dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc tự phát tái đàn này rủi ro rất cao, tăng nguy cơ tiếp tục bùng phát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh chưa được ngăn chặn.

Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn lợn, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các ngành có liên quan, huyện và thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp một cách tích cực hơn để ngăn chặn sự lây lan và sớm dập tắt dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm