Kiên Giang chuối xiêm rớt giá mạnh

Kiên Giang chuối xiêm rớt giá mạnh
Chuối xiêm rớt giá, thương lái không mua, người trồng thu hoạch chất đống. Ảnh: Lê Sen – TTXVN
Chuối xiêm rớt giá, thương lái không mua, người trồng thu hoạch chất đống.
Ảnh: Lê Sen – TTXVN

Gia đình ông Phan Minh Khởi, ngụ ấp Minh Kiên A, xã Minh Thuận có 4.000 m2 diện tích trồng chuối, hàng tháng ông thu hoạch từ 400 - 500 nải để bán cho thương lái chia sẻ, giá chuối đang lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Nếu như những năm trước giá thấp nhất cũng từ 3.500 - 4.000 đồng/nải, thì hiện nay chỉ còn 2.000 đồng/nải.

Những năm trước, giá chuối có giảm nhưng cũng không bi đát như bây giờ, vì giá chuối liên tục giảm và đến nay chỉ còn 2.000 đồng/nải kể từ đầu tháng 5/2018 khiến cho nhiều hộ nông dân gặp không ít khó khăn. Với mức giá này, người trồng chuối bán 100 nải thu nhập chỉ 200.000 đồng.

Theo anh Phạm Văn Nghị, ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc, từ tháng 2 - 4/2018, thương lái vào tận bờ bao mua chuối với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/nải thì đến tháng 5/2018 chỉ còn 3.000 đồng/nải (loại tốt). Tuy nhiên đến nay giá chỉ còn 2.000 đồng/nải. Bà con thu hoạch xong vận chuyển ra tận bờ bao nhưng thương lái chỉ mua với giá 2.000 đồng/nải chuối. Nếu trừ chi phí chăm sóc, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển thì bà con không còn lãi, thậm chí lỗ.

Chuối xiêm rớt giá, thương lái không mua, người trồng thu hoạch chất đống. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Chuối xiêm rớt giá, thương lái không mua, người trồng thu hoạch chất đống.
Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc cho biết, ông có 4 ha trồng chuối, trước đây mỗi tháng ông Phương thu nhập không dưới 80 triệu đồng tiền chuối nải và bắp chuối (hoa chuối). Tuy nhiên, với giá chỉ khoảng 2.000 đồng/nải, ông chỉ thu về được khoảng trên 20 triệu đồng/tháng.

Chính vì vậy, ông Phương đang lo không biết giá chuối có còn rớt nữa không, nếu chuyện này xảy ra thì chuối để chín cây rồi bỏ chứ không thu hoạch vì sẽ lỗ tiền thuê nhân công. Không chỉ chuối nải rớt giá, hiện nay bắp chuối cũng rớt theo với giá chỉ 2.000 đồng/kg, trung bình một bắp chuối bán từ 3.000 - 4.000 đồng thay vì hơn 10.000 đồng/bắp trước đây.

Lý giải nguyên nhân này, các thương lái cho rằng sở dĩ giá chuối giảm mạnh là vào thời điểm này chuối ở các tỉnh khác cũng đang vào thời kỳ thu hoạch, thêm vào đó chuối U Minh Thượng bị ảnh hưởng mưa bão nên chất lượng và độ đẹp không bằng nơi khác.

Theo bà Trương Thị Nguyệt, người thu mua chuối, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thương lái chỉ chọn mua chuối có độ chín đều và đẹp mắt, còn chuối không đạt chất lượng thì không mua vì bán không được.

Anh Võ Đường Roi, ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc cho biết, lúc hút hàng thì thương lái thu mua hết dù chuối không đạt chất lượng, còn hiện giờ chuối hơi nhỏ chút cũng bị bỏ lại. Có khi nông dân thu hoạch 700 nải, thương lái “ép” trả lại gần 100 nải. Số chuối bị trả lại thì nông dân có nuôi cá thì cho cá hay lợn ăn, còn không thì bỏ đống chứ không bán cho ai được.

Chuối xiêm rớt giá, bắp chuối cũng giảm theo, người trồng lao đao. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Chuối xiêm rớt giá, bắp chuối cũng giảm theo, người trồng lao đao.
Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Không chỉ chuối nải và bắp chuối rớt giá mạnh, nông dân ở đây còn gặp khó khi không có thương lái đến thu mua. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, do chuối trồng ở vùng đất này cho ra trái không đẹp bằng một số tỉnh, thành khác, nên chủ yếu xuất bán qua nước bạn Campuchia.

Thế nhưng, hiện nay phía Campuchia cũng có diện tích trồng chuối nhiều nên tiêu thụ nguồn chuối tại địa phương đang gặp khó. Vì vậy, nhiều người không bán được chuối nải phải chặt cho cá ăn hoặc lột ra nướng bán từng trái hoặc chở đi bán tại các chợ trong tỉnh Kiên Giang nhưng cũng không được nhiều.

Bản thân ông Nguyễn Văn Hiền cũng lâm vào cảnh trồng ra 7 tấn chuối nhưng đem bán họ chỉ mua có 1/3. Vì thế ông Hiền lại thuê xe chở sang tận Campuchia nhằm kiếm cơ hội tốt hơn nhưng tại đây nông dân cũng thu hoạch lượng chuối lớn nên không tiêu thụ được. Ông Hiền đành bán lỗ 26 triệu để đẩy nhanh lượng chuối trước khi chín nẫu.

Cũng từ chuyến đi “cay đắng” này, ông Hiền đề xuất với lãnh đạo huyện U Minh Thượng phải chuyển dần diện tích trồng chuối sang trồng các loại cây khác như cam, bưởi, xoài hoặc các loại rau màu và hướng tới sẽ cho tiến hành thành lập hợp tác xã và ra mắt thương hiệu chuối xiêm U Minh Thượng. Bên cạnh đó, hướng cho nông dân làm chuối khô, kẹo chuối… đề phòng khi giá chuối nải xuống giá thấp để nông dân không phải bỏ đi như bây giờ.

U Minh Thượng có diện tích trồng chuối xiêm nhiều nhất tỉnh Kiên Giang. Chuối xiêm thích hợp trồng tại các địa bàn vùng đệm U Minh Thượng. Cây chuối dễ trồng, dễ chăm sóc, không cần nhiều phân bón, nhưng lại thường xuyên (hàng tháng) cho thu hoạch trái và bắp chuối, góp phần đáng kể trong xóa nghèo ở địa phương. Thế nhưng, với việc chuối xiêm liên tục rớt giá, nông dân nơi đây không khỏi lo lắng.
Lê Sen

Có thể bạn quan tâm