Kiên Giang chủ động ứng phó với nguy cơ bị xâm nhập mặn

Kiên Giang chủ động ứng phó với nguy cơ bị xâm nhập mặn
Đóng cửa cống sông Kiên tại thành phố Rạch Giá nhằm ngăn mặn xâm nhập vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Đóng cửa cống sông Kiên tại thành phố Rạch Giá nhằm ngăn mặn xâm nhập vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo đó, địa phương xác định những vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt để ứng phó thích hợp, hạn chế thiệt hại. Theo đó, với sản xuất nông nghiệp là các vùng ven biển từ thành phố Rạch Giá đến thành phố Hà Tiên, ven sông Cái Lớn, sông Cái Bé và vùng U Minh Thượng. Đối với nước sinh hoạt là 2 trung tâm thành phố Rạch Giá và Hà Tiên, trung tâm huyện, khu dân cư, vùng hải đảo. Đối với đất rừng trọng tâm là 2 Vườn quốc gia U Minh Thượng, Phú Quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nhấn mạnh, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát tình hình, đánh giá khả năng tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2018 - 2019 đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt của nhân dân. Các địa phương chủ động thực hiện đồng bộ giải pháp, đảm bảo an toàn nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Diễn biến khí tượng, thủy văn và mực nước đầu nguồn sông Cửu Long được theo dõi chặt chẽ để ứng phó kịp thời, thông báo cho các địa phương, nhân dân biết chủ động sản xuất. Phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Đắp đập bằng cừ sắt trên Kinh Nhánh, thành phố Rạch Giá nhằm ngăn mặn xâm nhập vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
 Đắp đập bằng cừ sắt trên Kinh Nhánh, thành phố Rạch Giá nhằm ngăn mặn xâm nhập vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Cụ thể, để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, trung tâm thành phố và huyện, tỉnh đắp đập Kinh Nhánh, vận hành 2 cống sông Kiên và kênh Cụt để hạn chế mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt cung cấp vào hồ Tà Tây phục vụ các nhà máy nước cung cấp cho TP. Rạch Giá, vùng lân cận. Cống Ba Hòn được vận hành kết hợp đắp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương. Vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Hà Tiên. Việc tích nước an toàn vào các hồ chứa Dương Đông (Phú Quốc), Nam Du (Kiên Hải) được tập trung… để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo.

Các địa phương trong tỉnh rà soát lại những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Các dự án, công trình thủy lợi trọng yếu được đẩy nhanh tiến độ thi công, nạo vét kênh mương nhằm tăng khả năng trữ nước ngọt. Tỉnh kiểm soát chặt chẽ, vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và Ô Môn - Xà No để phục vụ nhu cầu nước sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thi công đắp 66 đập ngăn mặn theo thời vụ tại các địa phương để tăng cường khả năng bảo vệ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 và phòng chống hạn, mặn cho sản xuất vụ Hè Thu 2019.
Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm