Không làm theo phong trào trong thực hiện mô hình trường học mới

Không làm theo phong trào trong thực hiện mô hình trường học mới

VNEN là mô hình tốt, tạo ra thay đổi tích cực 

Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hợp quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD. Mô hình này khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. 

Theo ông Đặng Tự Ân - Chuyên gia trưởng dự án mô hình trường học mới (VNEN): Mô hình VNEN là mô hình nhà trường hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học, thể hiện qua một số đặc điểm cơ bản: học sinh được học theo tốc độ phù hợp với trình độ nhận thức của cá nhân. Nội dung học thiết thực, gắn kết với đời sống thực tiễn hàng ngày của học sinh; kế hoạch dạy học linh hoạt. Môi trường học tập thân thiện, phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tập thể; tài liệu có tính tương tác cao và là tài liệu hướng dẫn học sinh tự học. Mô hình này chú trọng kĩ năng làm việc theo nhóm hợp tác; phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, cộng đồng và nhà trường; tăng quyền chủ động cho giáo viên và nhà trường, phát huy vai trò tích cực, sáng tạo của các cấp quản lý giáo dục địa phương. 

Học sinh huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) trong giờ học theo mô hình trường học mới. Ảnh: Nguyễn Dũng- TTXVN
Học sinh huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) trong giờ học theo mô hình trường học mới. Ảnh: Nguyễn Dũng- TTXVN

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng: Dự án này đã chuyển đổi vai trò của người thầy từ truyền thụ tri thức sang hướng dẫn tổ chức học sinh thực hiện; còn học sinh từ vai trò thụ động, nghe giảng, chép bài và phát biểu ý kiến đã chuyển sang vai trò chủ động, tự hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức. Mô hình trường học mới (VNEN) là kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo bầu không khí học tập nhẹ nhàng, thân thiện. Giáo viên phải tự trau dồi, nâng cao trình độ. Học sinh sẽ không học thụ động mà bắt buộc phải có sự trao đổi, tư duy với giáo viên và các bạn cùng lớp, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp nhận đối với học sinh. 

Trong năm học mới, vẫn có địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này ở bậc tiểu học và trung học cơ sở trên tinh thần tự nguyện của nhà trường và phụ huynh học sinh như Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… 

Bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang cho biết: Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2012 – 2013, năm học 2015 - 2016 đã có 48/225 trường triển khai mô hình VNEN, rải đều tại 10/11 huyện (thị, thành) trong toàn tỉnh. Sau 2 năm thí điểm, thực tế cho thấy chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo viên thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy; học sinh giao tiếp mạnh dạn hơn, làm quen với phương pháp tự học và kết quả học tập so với chương trình hiện hành được nâng lên… 

Năm học 2016 - 2017, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai mô hình trường học mới. Theo đó, 9 trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ thực hiện mô hình trường học mới đối với học sinh khối lớp 6 và 7. Năm học 2012-2013, Bắc Ninh được Bộ giáo dục và Đào tạo cho thí điểm mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Võ Cường (thành phố Bắc Ninh). Đến năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quyết định nhân rộng VNEN đến 77 trường tiểu học (chiếm 50% số trường tiểu học của tỉnh). Riêng khối trung học cơ sở mới thực hiện thí điểm tại Trường Trung học cơ sở Phú Lương (Lương Tài) cho học sinh khối lớp 6. 

Những bước đi thận trọng 

Với nhiều ưu điểm thiết thực, tiên tiến song trong quá trình thực hiện, mô hình VNEN cũng bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của một số địa phương. Bất cập lớn nhất là một số địa phương phát triển quá nhanh mô hình, theo phong trào. Vì vậy năm học mới 2016 -2017, Bộ Giáo dục Đào tạo khuyến khích các cơ sở phát huy các điểm tích cực của mô hình nhưng cần làm thực chất để mô hình đi vào nề nếp chứ không theo phong trào. 

Trong thực tế, những nơi đã triển khai mô hình VNEN thì vẫn tiếp tục triển khai. Đa số các địa phương như: Lâm Đồng, Bắc Giang,.... vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình sau khi có tập huấn kỹ cho giáo viên và chuẩn bị tâm thế cho học sinh, phụ huynh. Một số địa phương khác đưa ra các tạm ngừng nhân rộng mô hình với l ý do là trình độ giáo viên chưa đáp ứng, nhiều giáo viên chưa được tập huấn, chưa hiểu thấu đáo về mô hình dẫn đến cách vận dụng sai, gây ra các phản ứng dây truyền cho phụ huynh, xã hội. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân thực tế là dự án kết thúc từ ngày 31/5/2016 và kinh phí hỗ trợ cho cơ sở cũng không còn nên một số địa phương thấy không đủ năng lực , điều kiện để nhân rộng mô hình . Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết một phần nguyên nhân dừng triển khai đại trà mô hình VNEN này là nguồn kinh phí khi dự án kết thúc. Ngay ở những địa phương tiếp tục nhân rộng VNEN cũng sẽ vấp phải khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, VNEN đòi hỏi các trường phải dạy 2 buổi/ngày, trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa thể đáp ứng…

 

Cùng với đó là kết quả học tập của học sinh không cao, nhiều giáo viên không bắt kịp với mô hình mới nên lãnh đạo các địa phương lo ngại về việc chất lượng giáo dục thấp. Phụ huynh cũng phản đối mô hình do thấy kết quả của con em mình không cao, có phần kém hơn so với mô hình cũ. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết: Kết quả học tập của một số học sinh theo học mô hình mới này hay bị đánh giá là kém… nhưng đó lại là thành công của mô hình vì đã giúp giáo viên nhận diện được nhóm học sinh này. Với cách dạy học cũ, những học sinh yếu kém bị lẫn với đám đông khi chỉ ngồi đọc chép. Cách tổ chức dạy học mới không sinh ra số lượng học sinh yếu kém này mà chỉ giúp phát hiện ra các em để bồi dưỡng, giúp đỡ. Tương tự, trình độ giáo viên cũng sẽ bộc lộ rõ qua mô hình này thay vì chỉ đánh giá qua bằng cấp. Vì thế, cần nhìn nhận vào thực tế để thấy mô hình đã thành công, từ đó mới có cách cải tiến, phát triển. 

Thực tế cho thấy, việc dừng VNEN trước hết là vì kết thúc dự án và sau nữa, do việc thực hiện VNEN ở nhiều địa phương còn chưa linh hoạt. Như vậy, việc đánh giá đây là mô hình không phù hợp, không nên triển khai đại trà là chưa hoàn toàn đúng. Các địa phương thông báo dừng áp dụng mô hình này là d ừng áp dụng đại trà, không nhân rộng thêm chứ không phải là bỏ mô hình này. Hầu hết đều vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình VNEN ở những trường, lớp đã triển khai trước đây. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Sau 3 năm làm thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên từng địa phương khác nhau. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan. Bất kỳ mô hình mới nào cũng phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế, cơ sở vật chất, chuyên môn nghiệp vụ. Cái mới nào cũng phải có lộ trình, cứ làm tốt thì sẽ có người theo. 

Việc “không áp đặt” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là hướng đi phù hợp để mô hình trường học mới trở thành “nền nếp” chứ không phải làm theo phong trào. Cùng với đó là những bước đi thận trọng, linh hoạt từ phía các địa phương về việc tuyên truyền để phụ huynh, giáo viên, học sinh hiểu rõ bản chất mô hình, linh hoạt lựa chọn những nội dung phù hợp để triển khai, không áp đặt để phù hợp thực tế địa phương…/. 

Có thể bạn quan tâm