Khởi nghiệp từ dự án bột bã mía nuôi tôm

Khởi nghiệp từ dự án bột bã mía nuôi tôm
Học đại học chuyên ngành bác sĩ đa khoa được hai năm, Trần Phúc Hậu bỏ ngang để thi vào đại học kinh tế. Tốt nghiệp, anh Hậu về làm cán bộ thị trấn Bình Đại, nhưng tâm trí lúc nào cũng mong muốn kinh doanh. Anh Hậu mở cửa hàng bán thuốc thủy sản. Sau một năm cung cấp thuốc cho nông dân nuôi tôm, anh Hậu nhận thấy các loại thuốc thủy sản chi phí rất cao, tuy nhiên không phải thuốc nào khi sử dụng cũng đem lại hiệu quả. 

Chế phẩm vi sinh được tận dụng từ bã của cây mía kết hợp với các thành phần như: mật đường, nước sạch, các dòng vi sinh có lợi. Ảnh: Internet.
Chế phẩm vi sinh được tận dụng từ bã của cây mía kết hợp với
các thành phần như: mật đường, nước sạch, các dòng vi sinh có lợi.
Ảnh: Internet.

Với mong muốn tìm ra một loại sản phẩm có thể hạn chế được dịch bệnh trên con tôm nhưng không phải dùng đến thuốc thú y thủy sản, anh Hậu đọc sách và lên mạng tìm hiểu về bột bã mía. “Tôi tìm hiểu thì được biết bột bã mía đã được nhiều hộ nuôi tôm sử dụng đem lại hiệu quả cao. Nhưng ở Bến Tre cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cơ sở nào sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía nuôi tôm. Trong khi đó Đồng bằng sông Cửu Long lại phát triển mạnh về ngành nuôi tôm. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để mình khởi nghiệp”, anh Phúc Hậu chia sẻ. 

Năm 2015, anh Hậu nghỉ việc để toàn tâm cho dự án khởi nghiệp của mình. Sau quá trình tìm hiểu, anh Hậu đã nghiên cứu thành công chế phẩm vi sinh từ bột bã mía bằng cách tận dụng bã của cây mía kết hợp với các thành phần như: mật đường, nước sạch, các dòng vi sinh có lợi sau đó ủ lên men trong 72 tiếng. Bột bã mía sau khi được ủ 72 tiếng trong thùng xốp, nếu mở ra sử dụng thì chỉ dùng trong 2 ngày. 

Với số tiền tiết kiệm được 7 triệu đồng, anh Hậu mua máy ép bã mía và để có nguyên liệu làm thử nghiệm, anh đi đến các điểm bán nước mía mua bã mía về để thực hành. Khi những thùng bột bã mía đầu tiên hoàn thành, không biết hiệu quả sử dụng sẽ như thế nào nên anh Hậu đem…cho một số người quen nuôi tôm công nghiệp dùng thử. Lúc đầu do sản phẩm còn mới nên nhiều người e ngại, nhưng chỉ sau một vụ tôm, các hộ dùng thử bột bã mía trước đây đã đến mua về sử dụng tiếp. 

“Khi bột bã mía được rải trực tiếp vào ao nuôi tôm thì từ khâu cải tạo ao cho đến ngày thu hoạch, người nuôi chỉ cần rải bột bã mía trong ao mà không cần dùng đến vôi xử lý nước, không dùng các chất cải tạo môi trường, nhờ bột bã mía mà hệ tảo và vi sinh vật có lợi trong ao phát triển tốt, ổn định. Ngoài ra, việc sử dụng bã mía trong nuôi tôm giúp giảm chi phí đầu tư hóa chất, chế phẩm sinh học trong nên giúp giảm chi phí khoảng 60%”, anh Hậu cho biết. 

Ông Nguyễn Văn Ngàn, thị trấn Bình Đại có 3.000m2 nuôi tôm. Ông Ngàn đã sử dụng bột bã mía nuôi do anh Hậu sản xuất được hơn một năm. Trước đây, mỗi tháng ông Ngàn tốn trên 3 triệu đồng tiền mua men vi sinh và tiền mua vôi để cải tạo ao nhưng từ khi sử dụng bột bã mía nuôi tôm, ông Ngàn chỉ tốn khoảng 500.000 đồng/tháng. 

“Khi rải bột bã mía màu nước cũng đẹp hơn, khi quạt nước ao, bùn dưới đáy không nổi lên. Tuần nào lấy mẫu nước trong ao nuôi đi kiểm tra nước cũng tốt, khi công ty đến mua tôm xuất khẩu họ rất hài lòng vì con tôm không bị nhiễm kháng sinh. Trong quá trình nuôi tỷ lệ tôm bị chết cũng giảm hẳn”, ông Ngàn phấn khởi cho biết. 

Sử dụng hiệu quả, người này mách tiếng người kia nên khách đến mua bột bã mía của anh Hậu ngày càng tăng, khối lượng bột bã mía sản xuất ra không đủ bán. Vì thế, anh Hậu mạnh dạn nhập bã mía từ nhà máy đường ở tỉnh Tây Ninh về sản xuất với số lượng lớn. Hiện nay, mỗi ngày anh Hậu sản xuất khoảng 500kg bột bã mía cung cấp chủ yếu cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh. Tuy nhiên, lượng bột bã mía sản xuất ra vẫn không đủ cung cấp cho đơn hàng các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau. Anh Hậu cho biết hiện anh đang làm thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm máy móc, thiết bị sản xuất số lượng lớn hơn. Ngoài ra, anh Hậu cũng sẽ tìm hiểu thêm để tự tạo ra những dòng men vi sinh sử dụng ủ bã mía mà không phải mua; đồng thời, nghiên cứu để gia tăng thời hạn sử dụng cho bột bã mía để có thể vận chuyển đi các tỉnh xa hơn. 

“Tôi hy vọng mình sẽ thành công với dự án khởi nghiệp này trên chính quê hương mình. Bột bã mía sẽ giúp người nuôi tôm giảm chi phí, còn môi trường thì được cải thiện theo chiều hướng bền vững”, anh Hậu chia sẻ. 

Bột bã mía làm hệ tảo và vi sinh vật có lợi trong ao phát triển tốt, giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi. Ảnh: Internet.
Bột bã mía làm hệ tảo và vi sinh vật có lợi trong ao phát triển tốt,
giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi. Ảnh: Internet.

Anh Nguyễn Phúc Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre cho biết, dự án khởi nghiệp chế phẩm vi sinh từ bột bã mía nuôi tôm của anh Trần Phúc Hậu là một dự án rất được Tỉnh đoàn quan tâm vì dự án này có tính khả thi cao. Trong điều kiện hiện nay, người chăn nuôi và người tiêu dùng đều hướng đến những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì sản phẩm bột bã mía nuôi tôm trong tương lai sẽ được nhiều người chăn nuôi tôm quan tâm và sử dụng. 

Với tính khả thi cao dự án chế phẩm vi sinh từ bột bã mía của anh Trần Phúc Hậu được lọt vào top 100 dự án khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam xuất sắc toàn quốc do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức. Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ kết nối với nhà máy mía đường Bến Tre để cung cấp nguồn nguyên liệu cho anh Phúc Hậu và Trung tâm xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn để doanh nghiệp của anh Phúc Hậu mở rộng thêm./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm