Khó đội mũ bảo hiểm vì phong tục

Khó đội mũ bảo hiểm vì phong tục

Nếu có dịp lên miền núi, bạn sẽ được chứng kiến hình ảnh: Những phụ nữ búi tóc cao, hoặc vấn khăn, đi xe máy chỉ mang mũ bảo hiểm để đối phó với cảnh sát giao thông. Nếu có ai đó đội lên đầu, thì cái mũ cũng chênh vênh, chỉ lủng lẳng trên búi tóc, chứ không ôm được vào đầu. Thực tế này làm cho cơ quan chức năng phát rất khó xử lý các trường hợp vi phạm. 

Tại nhiều địa phương, như ở Điện Biên, nơi có đông đồng bào Thái sinh sống, lực lượng cảnh sát giao thông đã cố gắng tuyên truyền cho bà con, nhất là những phụ nữ đã lập gia đình, khi tham gia giao thông thì không tằng cẩu nữa, buông tóc ra, đội mũ vào để đảm bảo an toàn. Nhưng biện pháp này không khả thi.

Lực lượng CSGT tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho người dân. Ảnh: dantri.com
Lực lượng CSGT tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho người dân.  Ảnh: dantri.com

Thượng tá Giàng Páo Sính trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh Điện Biên cho biết:

- Lực lượng cảnh sát giao thông, với các trường hợp thế này, hầu hết là không xử lí, chủ yếu là nhắc nhở.  Vì đây là phong tục tập quán, gắn liền với truyền thống gia đình rồi. Nếu bố mẹ mà nhìn thấy con dâu không tằng cẩu là "chết" ngay. Tuyên truyền rất là khó. Đối với dân tộc Thái, tằng cẩu đó là nét văn hóa, người phụ nữ dân tộc Thái đã tằng cẩu là chuyển sang họ chồng rồi, nên chỉ nhà chồng mới có quyền quyết định bỏ cái đó hay không.

Từ thực tế đó, đặt ra yêu cầu cần phải thiết kế mũ bảo hiểm phù hợp cho phụ nữ các dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Thái Đen. Loại mũ đó phải vừa đảm bảo được yếu tố văn hóa, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cuối tháng 8, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu giải pháp sản xuất mũ bảo hiểm phù hợp với phụ nữ các dân tộc ở miền núi phía Bắc để tìm ra loại mũ phù hợp. Trong hai phương án được đưa là mũ khoét lỗ để hở búi tóc và mũ trùm lên toàn bộ cả mái tóc búi cao, thì phương án mũ khoét được nhiều đại biểu ủng hộ hơn cả. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Hoài Phương, giảng viên Đại học quốc gia, nhận xét:

- Tất nhiên cả 2 phương án đều có hạn chế của nó. Nhưng phương án không khoét mà để nguyên mũ bảo hiểm hoặc sản xuất một cái rất to bao cả búi tóc thì quá nặng nề. Vừa to, vừa nặng rồi về thẩm mĩ, tiện lợi đều không đáp ứng được. Còn khoét lỗ thì chỉ có một hạn chế là độ bền vững của cái mũ không được như để cả một cái mũ nguyên vẹn liền với nhau. Nhưng dù sao bản thân búi tóc của người Thái cũng có giá trị bảo vệ một phần. Thứ 2 là nó đảm bảo được tính thẩm mĩ và tiện lợi, thì tôi nghĩ nhiều người sẽ ủng hộ phương án này hơn.

Những người phụ nữ Thái đã tằng cẩu sẽ rất khó khăn khi đội mũ bảo hiểm. Ảnh:dantri.com
Những người phụ nữ Thái đã tằng cẩu sẽ rất khó khăn khi đội mũ bảo hiểm. Ảnh:dantri.com

Chị Hoàng Na Hương, Phó giám đốc điều hành Quỹ phòng chống thương vong Châu Á, hoạt động trong lĩnh vực về an toàn giao thông ở Việt Nam, cũng đồng tình với phương án này:
 
- Chúng ta vẫn thấy mũ lưỡi trai trên thị trường có khoét cho những cô gái trẻ để đội rất thời trang. Khi chúng tôi tính đến lớp khoét thì chúng tôi thử tiêu chí quan trọng nhất là hấp thụ xung động thì đã đạt tiêu chuẩn ở mức cho phép. Và đấy cũng là phương án mà chi phí sản xuất cũng như chi phí đầu tư không quá cao. Thế nhưng nó sẽ gặp một số trở ngại với quy chuẩn của mũ bảo hiểm hiện hành nên tôi nghĩ phải có sự trao đổi giữa các cơ quan, ban ngành liên quan và chúng tôi sẽ hướng đến giải pháp nào tiết kiệm nhất vì chúng ta đang hướng đến đối tượng rất là nhỏ trong xã hội mà đời sống kinh tế của họ đang rất là khó khăn.
 
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thì khẳng định: Sau buổi hội thảo, ngoài việc tìm ra phương án tối ưu để thiết kế loại mũ bảo hiểm riêng cho phụ nữ những dân tộc có phong tục búi tóc cao, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia còn nhận được sự cam kết sẵn sàng tài trợ chi phí ban đầu để sản xuất loại mũ mới này của các hãng sản xuất mũ bảo hiểm như Hi-tech, Pro-tech và công ty nhựa Chí Thành:
 
- Chúng tôi sẽ phối hợp với nhà tài trợ và các nhà sản xuất tiến hành khảo sát ở các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc có luật tục búi tóc để xin ý kiến của chính những người phụ nữ mà hiện nay họ đang đội mũ bảo hiểm bình thường về mẫu mũ chúng ta dự kiến sản xuất như thế nào. Nếu nhận được sự đồng thuận cao, chúng tôi sẽ thực hiện bước thứ 2 là sẽ có văn bản gửi sang Bộ KHCN đề nghị cho phép sản xuất thí điểm loại mũ này.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm