Khi nông dân ứng dụng khoa học công nghệ làm giàu

Khi nông dân ứng dụng khoa học công nghệ làm giàu
Mô hình VAC của gia đình nông dân Phạm Văn Sang tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) mang lại lãi ròng hơn 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Mô hình VAC của gia đình nông dân Phạm Văn Sang tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) mang lại lãi ròng hơn 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nhớ thời điểm những năm đầu tiên sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông Liêm tạo dựng sự nghiệp từ vỏn vẹn chỉ 3.000 mét vuông đất vườn tạp do cha mẹ cho ra riêng sau khi mới lập gia đình. Khi gia đình đông miệng ăn, 2 vợ chồng và 3 đứa con còn nhỏ tuổi ăn tuổi lớn, sinh kế bức bách là động lực để ông tìm phương cách đầu tư khai thác khoảnh vườn một cách hiệu quả nhất. Thuận lợi là ông tham gia mạng lưới thú y, làm thú y viên cơ sở, được tiếp cận và nắm bắt các kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm. Ông đầu tư cải tạo khu vườn tạp theo mô hình tổng hợp VAC trong đó đất vườn trồng cây ăn quả đặc sản (táo Ấn Độ và nhãn tiêu da bò), dưới ao nuôi cá tra và cá trê phi, đồng thời xây cất chuồng trại nuôi 10 con lợn nái.

Những năm đầu, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận hàng năm sau khi trừ chi phí đạt từ 230 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Nhờ vậy, ông chẳng những giải quyết được vấn đề kinh tế gia đình mà còn có tích lũy, tậu thêm 16.000 mét vuông đất sau mấy năm dựng nghiệp, nâng tổng quỹ đất canh tác lên 19.000 mét vuông.

Ông Đỗ Hiếu Liêm cho rằng, thành công của mô hình chính ở chỗ mạnh dạn đoạn tuyệt với tập quán canh tác cổ truyền, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thay vào đó ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trên các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, nuôi cá và chăm sóc vườn cây một cách khoa học. Ví dụ như tiêm phòng cho gia súc đầy đủ để phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, có khẩu phần ăn phù hợp cho lợn nái, lợn sinh sản hoặc đang nuôi con; trồng cây theo quy cách và mật độ phù hợp, sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật đúng cách…

Những năm về sau, khi cây táo Ấn Độ và nhãn tiêu da bò già cỗi, hiệu quả kém và đầu ra không thuận lợi, cá trê phi thương phẩm khó tiêu thụ, nghề nuôi lợn nái lao đao theo biểu đồ cung – cầu thị trường, ông Đỗ Hiếu Liêm mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng. Cụ thể, đối với đất vườn, ông phá bỏ táo Ấn Độ và nhãn tiêu da bò, chuyển sang trồng xen canh bưởi da xanh và dừa Mã Lai. Ông không nuôi lợn nái sinh sản mà chỉ nuôi cá tai tượng dưới ao theo quy trình “an toàn sinh học”.

Bưởi da xanh là cây ăn quả đặc sản nhưng khó tính trong các khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh mà đặc biệt là ruồi đục quả. Tương tự, dừa Mã Lai tuy không kén đất nhưng rất “kỵ” bọ cánh cứng gây hại. Để khắc chế, nông dân Đỗ Hiếu Liêm quan tâm học tập kỹ thuật trồng cây ăn quả đặc sản qua nhiều kênh thông tin: Các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn và hội thảo khuyến nông, qua tài liệu kỹ thuật và những nông dân am hiểu đi trước… Từ khâu cải tạo, quy hoạch đất đai, trồng cho đến chăm sóc, thu hoạch đều tuân thủ kỹ thuật canh tác nghiêm ngặt. Đặc biệt, ông sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong chăm bón, phòng trị sâu bệnh gây hại cho vườn cây ăn quả đặc sản. Bù lại, bưởi da xanh và dừa Mã Lai là những cây trồng cho giá trị kinh tế cao, đầu ra thuận lợi, được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cá tai tượng trong ao nuôi theo quy trình “an toàn sinh học” tuân thủ kỹ thuật được cán bộ khuyến nông, khuyến ngư hướng dẫn. Trong đó, ông chú ý các khâu: Làm ao đúng kỹ thuật, chọn con giống tốt và sạch bệnh, quản lý môi trường nước tốt, khẩu phần ăn phù hợp để cá tăng trọng nhanh… Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả kinh tế vừa không lãng phí nguồn thức ăn, ông còn nuôi ghép với cá sặc rằn trong ao.

Hiện nay, ông có 9 ao nuôi đủ tiêu chuẩn với tổng diện tích 3.500 mét vuông mặt nước chuyên nuôi cá tai tượng ghép với cá sặc rằn, thả nuôi thường xuyên 25.000 con cá tai tượng và 10.000 con cá sặc rằn. Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch bưởi da xanh, dừa và cá, bán trừ chi phí còn lãi ròng trên 600 triệu đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Mai Thành Lộc đánh giá: Mô hình VAC trong đó kết hợp nuôi cá tai tượng “an toàn sinh học” là mô hình đầu tiên tại Tiền Giang, do nông dân Đỗ Hiếu Liêm áp dụng rất thành công. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, ông đã chuyển giao kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân trong ngoài tỉnh có nhu cầu đến tham quan, học tập, áp dụng.

Nhìn lại hơn 40 năm tạo dựng sự nghiệp trên đất thuần nông, ông Đỗ Hiếu Liêm đúc kết được những yếu tố then chốt giúp bản thân vượt lên những khó khăn, làm giàu bền vững từ mảnh vườn, thửa ruộng của mình trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp đầu tư sản xuất theo nhu cầu thị trường; tiếp thu và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật nông nghiệp qua nhiều kênh thông tin đa dạng giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa; trong sản xuất cần liên kết chia sẻ thông tin, kiến thức với cộng đồng và hỗ trợ nhau trong sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn cung ứng thị trường một cách ổn định...

Bí thư Đảng ủy xã Phú Kiết Võ Văn Minh đánh giá, không chỉ giỏi làm ăn, năng động, sáng tạo nắm bắt cơ hội, ông Đỗ Hiếu Liêm còn là một tấm gương hăng hái đi đầu trong công cuộc chung sức xây dựng nông thôn mới đẹp giàu, hiện đại. Được sự vận động của địa phương về đóng góp kiến thiết hạ tầng (giao thông, thủy lợi xây) dựng nông thôn mới trên địa bàn, ông đã tự nguyện hiến 1.920 mét vuông đất làm đường nông thôn, 100 m2 đất để xã xây cất trụ sở ấp Phú Khương C, xã Phú Kiết, ủng hộ 60 ngày công thợ để thi công các công trình giao thông nông thôn.

Trung bình mỗi năm, ông còn ủng hộ trên dưới 20 triệu đồng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách neo đơn và các quỹ công ích khác tại địa phương. Riêng đối với lĩnh vực khuyến ngư, ông giúp một hội viên Hội nghề cá Phú Kiết khó khăn 50 triệu đồng vốn, giúp 20 hộ hội viên khác một phần cá giống sản xuất…

Nhờ những nỗ lực của cá nhân ông cùng với các cấp, các ngành và nhân dân địa phương, xã Phú Kiết hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ra mắt xã nông thôn mới vào cuối năm 2015, về trước mục tiêu 5 năm so với lộ trình đề ra.

Với những cố gắng vươn lên trong sản xuất -kinh doanh, tạo dựng cơ nghiệp bền vững và hết lòng vì cộng đồng, nhiều năm liền, ông Đỗ Hiếu Liêm được công nhận là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh, vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quí của Đảng và Nhà nước như: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng III./.
Minh Trí
TTXVN

Có thể bạn quan tâm