Khánh Hòa trợ giúp phát triển làng nghề truyền thống

Khánh Hòa trợ giúp phát triển làng nghề truyền thống
Làng nghề đan giỏ cần xé, thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm. Ảnh:thoibaovietlangnghe.com.vn
  Làng nghề đan giỏ cần xé, thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm. Ảnh:thoibaovietlangnghe.com.vn
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 làng dệt chiếu cói được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống năm 2016. Một làng ở tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa; làng còn lại ở xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, đến nay chỉ làng nghề ở tổ dân phố Mỹ Trạch vẫn đang hoạt động, được bảo tồn và hỗ trợ phát triển. Làng nghề còn lại rơi vào tình trạng mai một dần. Theo đại diện UBND thành phố Nha Trang, hiện nay, trong số hộ dân làm nghề dệt chiếu cói được công nhận là nghề truyền thống tại xã Vĩnh Thái chỉ có một hộ duy nhất đủ điều kiện đầu tư thực hiện kế hoạch bảo tồn, nhưng hộ này lại bị vướng quy hoạch dự án trục đường Bắc – Nam. Các hộ dân còn lại chủ yếu là người già và trẻ em, tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm thêm nên không có nhu cầu đầu tư và vay vốn làm nghề. Do đó, thành phố không có chủ trương đề xuất kinh phí hỗ trợ bảo tồn và phát triển. Thực tế, tại làng nghề xã Vĩnh Thái vào những ngày đầu tháng, đa số bà con làm nghề cho biết, họ rất muốn giữ nghề nhưng lực bất tòng tâm, không có vốn nên không thể duy trì. Ông Huỳnh Quang Thành, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa, lý giải, trước đây làng dệt chiếu cói Vĩnh Thái được đưa vào địa chỉ du lịch dọc theo sông Cái, rất thu hút du khách đến tham quan và mua sắm. Nhưng vài năm trở lại đây, đầu ra sản phẩm này đơn điệu, công năng lại bị hạn chế. Từ đó dẫn đến việc nhiều hộ làm nên sản phẩm phải chất đống hoặc bán giá rẻ. Hệ lụy là họ không mặn mà và từ bỏ nghề dần dần. “Vốn chỉ là một phần nguyên nhân rất nhỏ, nguyên nhân lớn nhất vẫn là đầu ra của sản phẩm. Đây chính là khó khăn chung của các làng nghề ở tỉnh Khánh Hòa”, ông Thành nhấn mạnh. Không có vốn để tái sản xuất, làng nghề truyền thống dần mai một đã đành. Nhưng có vốn sản xuất mà đầu ra lại phụ thuộc vào nghề đi biển của ngư dân cũng khiến làng nghề đan giỏ cần xé ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, gặp khó khăn cũng không kém. Năm 2018, làng nghề này được hỗ trợ 135 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Vào những đợt cao điểm mùa cá, giỏ cần xé rất hút hàng và giá tăng cao, nhiều gia đình nhờ vào nghề này mà có thu nhập khá. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu phải mua hoàn toàn, dẫn đến chi phí cao, sản phẩm làm ra là "hàng nằm" chờ lâu, thậm chí số hàng này tồn đến hai năm sau mới bán được, nên người dân rất cần được hỗ trợ vốn để sản xuất và duy trì nghề. Bà Trần Thị Thủy, Chủ cơ sở đan giỏ cần xé Hòa Thủy, thôn Suối Cát cho biết, mặc dù đã được tỉnh hỗ trợ, có điều kiện mua các loại máy móc, trả tiền công lao động và mua thêm vật liệu để đan giỏ nhưng do sản phẩm là hàng nằm kho, phụ thuộc vào việc đánh bắt cá của ngư dân trúng hay không trúng. “Nếu như ngư dân trúng mùa, làm ra bao nhiêu sản phẩm cũng không đủ bán, nhưng hễ biển đói, ngư dân thua lỗ thì hàng làm ra, cứ phải nằm kho tháng này qua tháng nọ”, chị Thủy chia sẻ. Vẫn tin tưởng và tiếp tục phát triển nghề, chị Thủy khẳng định, không như cá thu, cá ồ, một số loại như cá cơm, cá nục phải chứa bằng giỏ tre mới tươi lâu nên về lâu dài, nghề đan giỏ cần xé vẫn có tương lai, quan trọng là biển có cho nhiều cá tôm hay không. Một khó khăn khác, đó là nhân lực lao động. Đây là bài toán khó giải không chỉ cho các làng nghề truyền thống mà cho đại đa số các nghề trong xã hội. Tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa lao động làm nghề đều lớn tuổi, tuy có kinh nghiệm nhưng sức khỏe lại không cao. Ông Lê Song, Tổ trưởng Tổ hợp tác đá mỹ nghệ Ninh Giang cho biết, Tổ hợp tác đá mỹ nghệ Ninh Giang có 23 thành viên, tuổi đều trên 40. Mỗi ngày công lao bình thường 150.000 đồng, nhưng vào vụ Tết cũng được 200.000 đồng/người. “Công việc vất vả nhưng vẫn đủ sống nếu chịu khó làm ăn. Nhưng làng nghề sẽ ra sao, khi chỉ mươi năm nữa, chúng tôi ai cũng sẽ già, mà lớp trẻ ai cũng chê nghề nặng nhọc, tiền kiếm ít”, ông Song lo lắng nghề thất truyền, nói. Việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển nhanh, bền vững ngành nghề, dịch vụ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Đồng thời, góp phần tạo việc làm và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Do đó, giải pháp vốn, nguyên liệu, máy móc sản xuất chỉ là bề nổi, căn cơ để giải quyết tận gốc vẫn phải là bài toán đầu ra cho sản phẩm. Để giải quyết khó khăn trên, năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ hơn 3,9 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống theo quy hoạch. Tỉnh cũng chủ trương hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm ngành nghề nông thôn. Mặc khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng ưu tiên cho việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển gắn các sản phẩm của nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề với điểm du lịch, tuyến du lịch; xuất khẩu các sản phẩm làng nghề tiêu biểu đi trong và ngoài nước. Theo ý kiến của các nhà tổ chức tour du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề với lịch sử phát triển hàng trăm năm, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch làng nghề. Nhưng để làm tốt việc du lịch và nghề truyền thống thì cần có một chính sách cụ thể để các bên cùng nhau phối hợp nhịp nhàng. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong quý I năm 2019 sẽ sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về chính sách phát triển ngành nghề nông thôn làm căn cứ triển khai thực hiện các nội dung; trong đó, có nghề truyền thống phát triển gắn liền với du lịch.
Phan Sáu

Có thể bạn quan tâm