“Kế sách” mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế

“Kế sách” mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế
Nhưng để thực hiện được chỉ tiêu này, các cơ quan chức năng cần rốt ráo hơn nữa mới có thể tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.
Người dân thiếu thông tin về quyền lợi khi tham gia BHYT, việc mua thẻ BHYT chưa thuận tiện, đặc biệt khi đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm thì phải chờ đợi, thủ tục phiền hà... Đó chỉ là số ít những nguyên nhân khiến nhiều người dân đến nay vẫn “né” mua và ngại sử dụng thẻ BHYT.

“Dù rất muốn mua thẻ BHYT cho mẹ nhưng 2 tuần nay tôi vẫn chưa hoàn tất các thủ tục giấy tờ mà nhân viên bán BHYT yêu cầu như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và thẻ BHYT của các thành viên khác trong gia đình”, chị Nguyễn Hoài Thu, quận 9, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
 
“Kế sách” mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế ảnh 1
Cán bộ BHXH tuyên truyền cho các hộ gia đình buôn bán trên sông nước
tại chợ nổi Cái Răng tham gia mua thẻ BHYT. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Theo chị Thu, trừ mẹ chị thì tất cả những thành viên khác trong sổ hộ khẩu đều có thẻ BHYT nhưng mỗi người ở một nơi. Do đó, để gom đủ giấy tờ của từng người rồi đi photo rất mất thời gian. Vì chưa có đủ giấy tờ nên đến nay, chị Thu cũng chưa thể quay lại UBND phường mua thẻ BHYT cho mẹ; mà người cao tuổi thì hay trái gió trở giời, phận làm con như chị Thu cảm thấy không yên tâm chút nào.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Thị Hồng, Đại Đồng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cũng cho biết, cả năm nay chị vẫn loay hoay, chưa biết làm thế nào để có được tấm thẻ BHYT. Gần 30 năm qua, chị Hồng làm nghề buôn đồng nát và cư trú tại phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi đến UBND phường để mua thẻ BHYT, chị Hồng được yêu cầu phải nộp cả giấy tạm trú, tạm vắng. Nhưng về quê xin giấy tạm vắng thì UBND xã Đại Đồng cho biết đã bỏ thủ tục cấp giấy này từ năm 2010.

“Tôi được cán bộ địa phương hướng dẫn, nếu đăng ký tạm trú chỉ cần mang chứng minh thư ra phường, nơi tạm trú là có thể được cấp; còn nếu muốn mua BHYT tại Đại Đồng thì phải mua theo hộ gia đình. Có điều trong gia đình tôi chỉ có 3/7 người có nhu cầu, tôi không dư giả gì nên chẳng thể bỏ ra 1 lúc gần 2 triệu bạc để mua BHYT. Bởi vậy, dù rất muốn mua vì bản thân mắc bệnh u nang buồng trứng nhưng đến nay tôi vẫn chưa có thẻ BHYT ”, chị Hồng tâm sự.

Nhắc đến chuyện mua và sử dụng thẻ BHYT, chị Nguyễn Ái Huyền, hộ khẩu ở phường Minh Khai, Hà Nội, khá bức xúc. Theo chị Huyền, việc mua BHYT hiện nay chưa thuận tiện và người dân phải chờ khá lâu mới có được thẻ BHYT. Để mua được thẻ BHYT, chị phải đợi từ đầu tháng đến cuối tháng mới có thể đi đăng ký mua thẻ và sau đó hơn 1 tháng mới được nhận tấm thẻ trên tay.

“Chờ mãi mới có thẻ BHYT nhưng khi đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn thì tôi phải chờ đợi khá lâu. Sau đó, để có thể lấy kết quả xét nghiệm, chiếu chụp trong ngày tôi lại phải tự trả hơn 300.000 đồng phí dịch vụ. Biết vậy thì tôi chẳng mua rồi chờ đợi thẻ lấy BHYT làm gì, cứ đi khám tự nguyện cho nhanh mà khỏi mua bực vào mình”, chị Huyền tấm tức.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện đại lý BHYT thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), tại thị trấn Xuân Mai, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT chiếm 70%, số đối tượng chưa tham gia BHYT chủ yếu là hộ nông dân và người buôn bán. Dù đã vận động nhiều nhưng đối tượng tiểu thương buôn bán cho rằng mua BHYT không dùng đến vì chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa tốt nên khi có bệnh thì khám dịch vụ cho nhanh. Còn hộ nông dân thì cũng khó vận động, một gia đình có tới vài thế hệ nên nếu chưa tách khẩu thì có hộ lên tới cả chục người. Do đó, rất khó để mọi thành viên trong đại gia đình cùng một lúc tham gia BHYT.

“Để mở rộng được đối tượng tham gia BHYT thì trước tiên cần tăng chất lượng khám chữa bệnh, người dân thấy lợi ích sẽ tích cực tham gia hơn. Còn như hiện nay, người tham gia chủ yếu là đối tượng diện bắt buộc hoặc là gia đình có người nhà mắc bệnh cần khám BHYT”, ông Nguyễn Thanh Bình nói hộ tâm tư của nhiều người dân hiện nay.
 
Năm 2015, trên 76,5% dân số cả nước có BHYT; đầu năm 2016 cũng đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia BHYT, tăng khoảng 0,83 triệu đối tượng. Ngành BHXH Việt Nam đang tích cực để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 79% dân số có BHYT vào cuối năm 2016, đúng như chỉ tiêu mà Chính phủ đã giao.

Có thể bạn quan tâm