Huyện vùng cao biên giới Bình Liêu kỷ niệm 100 năm thành lập

 Huyện vùng cao biên giới Bình Liêu kỷ niệm 100 năm thành lập
Bình Liêu là huyện vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên 473,5km2; dân số trên 31 nghìn người; gồm 6 dân tộc cùng sinh sống. Thời phong kiến, Bình Liêu gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên của châu Tiên Yên, thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Năm 1883, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Quảng Yên, sau đó chiếm huyện Bình Liêu, từng bước tiến hành củng cố ách thống trị của chúng. Năm 1919, phủ toàn quyền Pháp ra nghị định tách hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên khỏi châu Tiên Yên, lập thành châu Bình Liêu.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng Bình Liêu được thành lập, châu Bình Liêu được đổi tên thành huyện Bình Liêu, gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã (Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động).

Ngày 23/2/1977, Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 614-VP18 về việc thành lập thị trấn Bình Liêu trên cơ sở phố huyện, thuộc xã Tình Húc. Từ đó đến nay, huyện Bình Liêu có 8 đơn vị hành chính, gồm thị trấn Bình Liêu và 7 xã: Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động.

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, huyện Bình Liêu đã trở thành vùng đất giàu truyền thống và có bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm màu sắc riêng của các dân tộc thiểu số. Người Bình Liêu cần cù trong lao động sản xuất, sáng tạo trong lao động nghệ thuật, anh dũng trong chống giặc ngoại xâm, kiên trì, bền bỉ trong công cuộc xây dựng đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu cùng với các lực lượng vũ trang lập nên những chiến công vang dội trên tuyến biên giới, tiêu biểu là cuộc chiến đấu diễn ra vô vùng ác liệt từ 22 giờ đêm ngày 24/12/1950 đến chiều ngày 25/12/1950, khiến bọn địch phải kéo cờ đầu hàng và ngày 25/12/1950 huyện Bình Liêu hoàn toàn được giải phóng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Liêu đã chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến, với hơn 2.200 người con ưu tú lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu trên các chiến trường, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước những yêu cầu thực tiễn đặt ra, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh và tình huống nào, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện luôn kiên cường, đoàn kết, sát cánh bên nhau bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, góp phần ổn định, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới...

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Bình Liêu đạt trên 13,5%/năm; giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 1.541 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng từ 6,2% (năm 1986) lên 19,15% (năm 2019), giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp từ trên 60% (năm 1986) xuống 29,25% (năm 2019). Ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục có những khởi sắc quan trọng, đến nay chiếm 51,60% cơ cấu kinh tế. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm trở lại đây đạt trung bình trên 200 tỷ đồng/năm.

Nông, lâm nghiệp, thủy sản từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, có giá trị cao và bền vững. Bình Liêu có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như: Hồi, quế, sở, sản xuất và chế biến miến dong, nuôi ong mật...

Đến nay, toàn huyện có 3/7 xã đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (từ 15-18 tiêu chí), 7/7 xã đủ điều kiện, tiêu chí ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135.

Với những thành tích đã đạt được thời gian qua, huyện Bình Liêu đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng 627 huân, huy chương các loại cho tập thể và cá nhân; trong đó phong tặng 6 tập thể anh hùng.

Năm 2015, huyện Bình Liêu được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất.

Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, Nguyễn Thị Tuyết Hạnh khẳng định: thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện tốt ba khâu đột phá về cải cách hành chính, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh - quốc phòng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Huyện tập trung phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của huyện; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt; tăng cường quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú mang đậm nét văn hóa truyền thống và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, chủ quyền biên giới…/.
Văn Đức
TTXVN

Có thể bạn quan tâm