Huyện miền núi Khánh Vĩnh tăng cường công tác bảo vệ rừng

Huyện miền núi Khánh Vĩnh tăng cường công tác bảo vệ rừng
Cắm hệ thống bảng cấm lửa tại các khu vực rừng trọng yếu. Ảnh: khanhvinh.khanhhoa.gov.vn
Cắm hệ thống bảng cấm lửa tại các khu vực rừng trọng yếu.
Ảnh: khanhvinh.khanhhoa.gov.vn

Huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn với hơn 99.000 ha, có nhiều loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao như pơmu, gõ, kiền kiền, thông nàng... Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết, để bảo vệ rừng trong dịp Tết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý kịp thời các tình huống; bố trí các chốt giữ rừng, chia ca, kíp trực 24/24 giờ; trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện, tổ chức tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng; tập trung truy quét các điểm xung yếu, điểm nóng, các khu vực rừng dễ bị xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ cao về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, các khu rừng giáp ranh.

Ông Nông Khánh Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khánh Vĩnh thông tin: Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản tăng cường quy mô, mức độ hoạt động với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý lâm sản trở nên phức tạp, nhất là tại các địa phương có diện tích rừng lớn, trữ lượng rừng cao.

Năm 2019, Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh phát hiện 41 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, vi phạm luật Lâm nghiệp, thu giữ gần 76 m3 gỗ xẻ hộp các loại, trong đó có hơn 2 m3 thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IIA...; xử phạt 39 vụ với tổng số tiền hơn 930 triệu đồng; khởi tố điều tra hình sự 1 vụ vi phạm về khai thác rừng trái pháp luật... Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cùng phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đóng chốt chặn tại dốc A Ma Meo, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các vụ vi phạm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản trên toàn địa bàn.

Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng khi diện tích rừng lớn, địa hình hiểm trở lại nằm tiếp giáp với nhiều khu vực đường giao thông, đặc biệt là tuyến quốc lộ 27C, nên việc truy bắt các đối tượng phá rừng thường rất khó khăn. Nhận thức của một số người dân sống gần rừng còn thấp, hiện tượng người dân vào rừng chặt lấy củi, gỗ vẫn diễn ra. Khi bị phát hiện, các đối tượng bỏ cả phương tiện để chạy thoát thân hoặc manh động chống trả lực lượng chức năng... Người dân sống trên tuyến đường đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh, cho biết các đối tượng chủ mưu phá rừng thường ở nơi khác đến, thuê đồng bào dân tộc ở địa phương khai thác và vận chuyển tiêu thụ. Hoạt động khai thác lâm sản trái phép chủ yếu ở các vùng núi sâu, hiểm trở, khó đi lại, thường diễn ra vào buổi tối và các ngày nghỉ, ngày lễ... Các đối tượng sử dụng các loại xe khách đã hết hạn sử dụng để vận chuyển với tốc độ cao.
Phan Sáu

Có thể bạn quan tâm