Huyện biên giới Mường Tè chủ động phòng chống cháy rừng

Huyện biên giới Mường Tè chủ động phòng chống cháy rừng
Theo ông Đao Văn Hân, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè (Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lai Châu), địa bàn huyện hiện có gần 168 nghìn ha rừng, với tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 65%. Năm 2018, người dân đã được nhận gần 180 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng đã được cấp ủy, chính quyền đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ, đơn vị đã chủ động tham mưu với UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Mường Tè. Ngay từ đầu mùa khô năm 2019, huyện đã triển khai kế hoạch bảo vệ rừng; ban hành các văn bản chỉ đạo đạo lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng đảm bảo lực lượng cơ động cho nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô.

Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè đã xác định vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao tại khu vực có tập quán sản xuất nương rẫy, có mật độ thảm thực vật dày như các xã: Pa Ủ, Tà Tổng, Mù Cả, Bum Tở, Ka Lăng, Thu Lũm, Kan Hồ… Qua đó, Hạt đã tham mưu thành lập hai Trạm Kiểm lâm tại hai xã Tà Tổng, Mù Cả và phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách các xã, tổ chức các đoàn kiểm tra các địa bàn trọng điểm. Lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện các quy định bảo vệ rừng gắn với phòng cháy chữa cháy rừng, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật gây cháy rừng… Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp các xã, thị trấn tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã với 398 thành viên và thành lập 126 Tổ chuyên trách bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các bản, khu phố.

Xã Mù Cả có vị trí rất quan trọng trong công tác bảo vệ rừng của huyện Mường Tè. Xã có đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, là nơi có dòng sông Đà chảy vào đất Việt và giáp ranh với huyện Mường Nhé (Điện Biên) điểm nóng của việc di cư tự do và phá rừng. Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn đã được Trạm Kiểm lâm Mù Cả triển khai hiệu quả.

Trưởng Trạm Kiểm lâm xã Mù Cả (Mường Tè) Nguyễn Văn Thăng cho biết, Trạm hiện có 3 cán bộ, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 29,5 nghìn ha rừng đầu nguồn sông Đà trên địa bàn xã Mù Cả với tỷ lệ che phủ rừng gần 77%. Xác định địa bàn Trạm quản lý là một trong những vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng và rừng bị xâm phạm cao, tập thể cán bộ của Trạm đã chủ động triển khai các biện pháp phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, các lực lượng chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Công an, dân quân… xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn xã, tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng. Đồng thời, cán bộ của Trạm tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn người dân trên địa bàn phát nương, đốt nương trong vùng quy hoạch, đúng kỹ thuật, tránh tình trạng phá rừng làm nương và đốt nương cháy lan vào rừng.

Xã Tà Tổng (Mường Tè) đang được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trên 28.000 ha rừng. Trong năm 2018, trung bình mỗi hộ gia đình ở Tà Tổng được nhận trên 28 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Ông Lý Trùy Hừ, Chủ tịch UBND xã Tà Tổng cho biết, chính quyền xã xác định nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trong đó phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định “phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ).

UBND xã Tà Tổng đã đã phối hợp với Trạm Kiểm lâm và các lực lượng chức năng trên địa bàn kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của xã; thành lập đội cơ động bảo vệ rừng với quân số hơn 35 người, có sự tham gia của các lực lượng dân quân, công an cùng các đoàn thể. Chính quyền xã chỉ đạo 12/12 bản thành lập các đội xung kích bảo vệ rừng, thường xuyên canh gác, tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình trạng rừng vào thời gian cao điểm, cảnh báo, nghiêm cấm mọi hoạt động xâm hại đến rừng, chỉ đạo nhân dân chủ động thu dọn thực bì, phát đường băng cản lửa…

Từ việc chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng chống cháy rừng, huyện biên giới Mường Tè sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ giữ màu xanh cho rừng. Diện tích rừng trên địa bàn huyện sẽ luôn phát triển ổn định và an toàn, đảm bảo nguồn thu nhập bền vững cho người dân.
        Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm