Hợp tác xã giúp dân xóa nghèo Thành Sơn

Hợp tác xã giúp dân xóa nghèo Thành Sơn
Sản phẩm miến đao đỏ Thành Sơn (Bản Xèo) .Ảnh : nhandan.com.vn
Sản phẩm miến đao đỏ Thành Sơn (Bản Xèo) .Ảnh : nhandan.com.vn
Khôi phục nghề truyền thống Vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, miến đao Thành Sơn (Bản Xèo - Bát Xát) đã từng nổi tiếng, khi những người dân Đồng Sơn, Nam Trực (Nam Định) nghe theo lời Đảng và Chính phủ lên khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Bản Xèo. Dựng lên thôn mới với tên gọi Thành Sơn, những ngày đầu tìm kế mưu sinh, bà con đã tìm ra nguồn nguyên liệu làm miến đao là cây đao giềng đỏ mọc hoang bạt ngàn trên núi Bản Xèo. Vậy là những hộ dân biết tính toán, nhanh nhạy nhất ở thôn Thành Sơn đã khăn gói trở về quê hương học nghề làm miến rồi ngược núi lên Bản Xèo bắt tay vào sản xuất. Những mẻ miến đao đầu tiên sản xuất ra ngay lập tức đã được bà con quanh vùng chấp nhận. Sản phẩm miến đao Thành Sơn khác biệt đối với miến đao của các địa phương khác bởi nguyên liệu sử dụng 100% là bột đao giềng đỏ. Sợi miến khi nấu giòn, dai sợi nhưng lại mềm, lỡ quá lửa cũng không nát. Nước nấu miến không bao giờ đục và cho hương vị riêng biệt. Tiếng lành đồn xa, từ Mường Hum, Bản Vược, tiếng tăm của miến đao Bản Xèo dần lan ra khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Thời hoàng kim, vào mùa sản xuất (thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và chỉ kéo dài trong ba tháng) những hộ dân làm miến đao ở Bản Xèo mỗi vụ làm ra cả tấn miến sợi, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Ông Cồ Như Nghệ, người bản địa làm miến đao đầu tiên ở Thành Sơn và cũng là người bám trụ lâu nhất với nghề này tự hào, miến Thành Sơn có hương vị đặc biệt, không thể chê được, có được điều này là nhờ làm từ loại đao đỏ chỉ có trong vùng. Bột miến làm từ loại củ này khi khô thì nắm chặt trong lòng bàn tay, sau đó ấn mạnh là bột lại vỡ vụn ra, khi ướt thì mịn và dẻo như bột nếp nương. Thời hoàng kim, miến Thành Sơn làm ra nhiều nhưng vẫn không kịp sản xuất, nhiều nơi muốn bắt chước miến Thành Sơn nhưng không thể được. Ở vùng nọ có thương lái mua bột Thành Sơn về trộn với bột khác hòng kiếm lời nhưng người bình thường chỉ cầm nắm bột đã biết ngay không phải bột Thành Sơn nguyên chất.
Dây chuyền sản xuất miến đao đỏ Thành Sơn được cơ giới hóa đồng bộ. Ảnh : nhandan.com.vn
Dây chuyền sản xuất miến đao đỏ Thành Sơn được cơ giới hóa đồng bộ.
Ảnh : nhandan.com.vn
Chiến tranh biên giới năm 1979, rồi việc di chuyển thị trấn huyện lỵ Bát Xát ra khỏi khu vực Bản Xèo khiến nghề làm miến đao của người dân Thành Sơn mai một, bỏ bẵng đi mất vài chục năm. Chỉ đến cuối năm 2012, khi Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tư vấn, khuyến khích người dân xã Bản Xèo khôi phục nghề làm miến thông qua việc thành lập HTX Thành Sơn và hỗ trợ đầu tư dây chuyền trang thiết bị chế biến củ đao riềng, với kinh phí gần một tỷ đồng bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc bằng việc cho HTX Thành Sơn được sử dụng mặt bằng với diện tích 10.000 m2 để làm xưởng sản xuất. Rất nhanh chóng, miến đao Thành Sơn lấy lại được tiếng vang của mình, được thị trường tiêu thụ chấp nhận. Chỉ tính riêng năm 2017, HTX Thành Sơn sản xuất được hơn 85 nghìn tấn miến đao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 32 lao động (là xã viên HTX) với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 400 hộ dân địa phương, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Giáy… bằng việc trồng cây đao đỏ cung cấp nguyên liệu cho HTX Thành Sơn, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.Liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu Sau gần sáu năm chính thức bắt tay vào sản xuất, đến nay, HTX miến đao Thành Sơn đã xây dựng được vùng trồng nguyên liệu cây đao riềng đỏ khoảng 530ha với hơn 400 hộ dân tham gia sản xuất, tập trung ở các xã Bản Xèo, Pa Cheo Dền Thàng, Cốc Mỳ, Mường Vi và Tả Phời. Hàng trăm hộ dân có thêm thu nhập khi giá thu mua củ đao đỏ nguyên liệu được duy trì ổn định từ 2,5 - 3 nghìn đồng/kg. Ban Quản trị HTX đưa ra tôn chỉ là chú trọng đến chất lượng, giữ cho được hương vị miến đao Thành Sơn truyền thống. “Đó có lẽ cũng là bí quyết thành công của miến đao Thành Sơn từ khi thành lập đến nay”, nữ Phó Giám đốc HTX Thành Sơn, Bùi Hồng Thiện chia sẻ. Đưa chúng tôi đi thăm đồi đao đỏ rộng hơn 2ha của gia đình sắp bước vào thời điểm thu hoạch, ông Má A Sa, thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo phấn khởi: “Nhờ có cây đao đỏ này mà nhà tôi thoát nghèo đấy. Trồng nó không vất vả như cây ngô nhưng tiền thu về gấp đôi nên bà con phấn khởi lắm”. Ông Sa nhẩm tính, năng suất mỗi ha đao đỏ là 25 - 27 tấn củ, vậy là có 50 - 70 triệu đồng rồi nếu trồng đủ một ha. Ông Cồ Bá Thìn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết, từ khi khôi phục nghề làm miến đao, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm từ 65% xuống còn 10%.
Sản phẩm miến đao đỏ Thành Sơn (Bản Xèo) được khách hàng ưa chuộng bởi chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.Ảnh : nhandan.com.vn
Sản phẩm miến đao đỏ Thành Sơn (Bản Xèo) được khách hàng ưa chuộng bởi chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.Ảnh : nhandan.com.vn
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX Thành Sơn chủ động đầu tư mạnh cho cơ giới hóa và nâng cao trình độ lao động. Quá trình cơ giới hóa được HTX đẩy mạnh nhưng không ồ ạt, mất kiểm soát. Các loại máy móc đều được nghiên cứu, tính toán để nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh lãng phí, đồng thời, gắn quá trình nâng cao trình độ lao động, bảo đảm an toàn lao động. Với dây chuyền sản xuất công nghệ cao, năng suất bình quân của HTX đạt 70-80 tấn miến thành phẩm mỗi năm, đủ sức đáp ứng những đơn hàng lớn. Với mức giá bán ra thị trường là 80 nghìn đồng/kg, miến đao Thành Sơn tuy đắt hơn đôi chút so nhiều loại miến trên thị trường, nhưng người tiêu dùng sau khi đã ăn thử đều dễ dàng chấp nhận, khiến đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi. Sản phẩm miến đao Thành Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu sản phẩm tin cậy, sản phẩm ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo. Mới đây nhất, sản phẩm tiếp tục được Bộ NN-PTNT trao Giấy chứng nhận đạt Danh hiệu vàng Nông sản Việt Nam năm 2017. Sản phẩm miến đao Thành Sơn được cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử, sản phẩm được đóng gói trong bao bì và có dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX Thành Sơn cho biết, để giữ thương hiệu, HTX Thành Sơn kiểm soát khắt khe hơn trong các khâu sản xuất và chế biến, đồng thời tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm để miến đao Thành Sơn vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo : nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm