Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020: Đề xuất hai kịch bản tăng trưởng, không chuyển hàng nông sản lên biên giới

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020: Đề xuất hai kịch bản tăng trưởng, không chuyển hàng nông sản lên biên giới
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo tại họp báo. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo tại họp báo. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Hai kịch bản tăng trưởng Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trước tình hình dịch nCoV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020.  Theo đó, nếu như khống chế dịch trong quý I/2020, tăng trưởng năm 2020 sẽ là 6,27%; nếu khống chế dịch trong quý II, tăng trưởng kinh tế dự kiến 6,09%. Như vậy so với mục tiêu 6,8% nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ là bị thấp rất nhiều. Với kịch bản như vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo có các giải pháp khác để bù đắp những vấn đề thua thiệt, ảnh hưởng đến tăng trưởng. “Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, với tinh thần không chủ quan, khinh suất, nhưng không tạo ra hoang mang, rất cẩn trọng, tránh những gì nhạy cảm, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, các địa phương khi chỉ đạo phải đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia, với tinh thần hỗ trợ nước bạn, tránh việc kỳ thị để giữ được quan hệ lâu dài và tổng quan không để ảnh hưởng quan hệ chính trị”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế hàng quý để phục vụ cho công tác điều hành của Chính phủ. Các kịch bản này là dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý. Trong bối cảnh diễn ra bình thường, kịch bản diễn ra theo chiều hướng đã dự báo. Còn trong điều kiện tốt hơn, tốc độ tăng trưởng cao hơn và ngược lại. Tùy theo tình hình, Bộ tham mưu cho Chính phủ có giải pháp phù hợp, đảm bảo đúng mục tiêu tăng trưởng đề ra. Thứ trưởng Phương cho biết:  Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự báo đánh giá tác động dịch tới tăng trưởng kinh tế trên cơ sở các số liệu tháng 1. Theo tính toán của Bộ, trong trường hợp hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tăng trưởng còn 6,27%. Còn dịch kéo dài trong quý II, nguy cơ giảm tăng trưởng sâu hơn, đạt 6,09%”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn tùy thuộc vào tình hình và tác động của chính sách điều hành. Liên quan đến câu hỏi, liệu Chính phủ có áp dụng các gói hỗ trợ để đảm bảo tình hình sản xuất, kinh doanh, ông Phương cho hay, đây là một trong những chính sách để khắc phục và phục hồi tăng trưởng. “Bộ đề hai giải pháp rõ ràng: trước mắt tập trung ưu tiên phòng chống dịch, kiểm soát dịch bệnh trước; sau đó, có giải pháp khắc phục thiệt hại và phục hồi sản suất kinh doanh. Các gói hỗ trợ cũng là một phương án. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nguồn lực của ta có bao nhiêu và đối tượng hỗ trợ như thế nào”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng, trước mắt, nông dân trồng thanh long, dưa hấu đang chịu thiệt hại từ tác động của dịch nCoV, cũng có thể giống như dịch tả lợn châu Phi trước đây. Mức hỗ trợ như nào cần tính toán cụ thể để phục hồi sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng. Ông lưu ý các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Hiện nay, điều kiện giải ngân tốt hơn năm trước, các địa phương hoàn thành thủ tục để giải ngân, đưa các dự án vào hoạt động, góp phần vào tăng trưởng. Làm rõ thêm về gói kích cầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng phải đặt trong vấn đề tổng thể. Đến thời điểm này chưa đặt ra việc có gói kích cầu, nếu dịch bùng phát nghiêm trọng hơn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới bàn đến, vì chúng ta phải đảm bảo chỉ số về lạm phát, các chỉ số vĩ mô. Đây là vấn đề phải cân nhắc.Miễn thuế một số mặt hàng vật tư y tế Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin, trong tình hình cấp bách hiện nay, mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước khử trùng đang thiếu và khan hiếm so với nhu cầu. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “chống dịch như chống giặc”, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng, báo cáo Chính phủ (công văn số 92 ngày 4/2) về việc miễn thuế với các mặt hàng, nguyên liệu này. Tại phiên họp, Chính phủ đã quyết Bộ Tài chính phối hợp với các bộ trình Chính phủ nội dung miễn thuế với khẩu trang y tế nhập khẩu để sử dụng cho phòng, chống dịch, miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất khẩu trang và nước khử trùng. Bộ Tài chính sẽ làm việc các cơ quan liên quan để cụ thể hóa các mã hàng hóa và mặt hàng, trong ngày mai sẽ xin ý kiến các Bộ Công Thương, Tư pháp, Y tế để khẩn trương trình Thủ tướng quyết định sớm. Liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54 %, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài, giao dịch tương tự như các nước khác trong khu vực và cũng có thể phần nào có ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh trong những ngày đầu tiên. Mức giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh. Tính chung trong hai tuần cuối tháng 1 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các thị trường chứng khoán châu Á khá mạnh, như Hong Kong giảm 9,4 %, Hàn Quốc giảm 5,8 %, Thái Lan 5,4 %. Bắt đầu từ tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VNIndex chỉ giảm 0,8%, đứng ở mức 929 điểm. Riêng ngày 4/2, sắc xanh đã quay trở lại khi thị trường quay đầu trong phiên giao dịch buổi chiều và tăng 0,95 điểm so với ngày hôm trước. Ra Tết, trước tình hình chứng khoán giảm điểm như vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán, các công ty chứng khoán báo cáo hằng ngày về giao dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán. Với các giải pháp nêu trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài ba ngày qua cũng đã phục hồi trở lại và có xu hướng tăng điểm. Đối với những giải pháp trong ngắn hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước hằng ngày, yêu cầu hai Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng  ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn; các công ty chứng khoán tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình và không bị tác động về tâm lý. Về giải pháp trung và dài hạn, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021; đẩy mạnh, cơ cấu lại thị trường chứng khoán để phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư và giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.Tập trung tiêu thụ nông sản trong nội địa Về việc hàng nông sản bị ảnh hưởng do dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trước tình hình 362 xe hàng đang tồn đọng ở Lạng Sơn, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và ngay chiều 3/2 đã họp bàn giải pháp tổng thể. Trưa 5/2, các xe đã được thông quan và thực hiện tuân thủ đúng quy định người sang Trung Quốc về cách ly 14 ngày. Về giải pháp, trước mắt, Bộ thống nhất chủ trương không chuyển hàng lên biên giới, tập trung vào tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng các tỉnh tập trung vào chế biến và chế biến sâu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Mỹ một cách tối đa. “Trong tình thế còn khó khăn lâu dài, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với các thị trường, trao đổi thông tin thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, để những nghị định đang chuẩn bị dở dang phải triển khai ngay; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để thông tin tuyên truyền cho các doanh nghiệp, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị cho việc cơ cấu lại sản phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói. Cung cấp thêm thông tin về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, trong đó có mặt hàng nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch nCoV có tác động toàn diện các mặt trên toàn cầu, từ y tế, giao thông, du lịch, đặc biệt là thương mại. Hiện chúng ta mới nói nhiều về việc ảnh hưởng của dịch đến thương mại, tác động về xuất, nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế dịch ảnh hưởng rất nhiều, đến cả thị trường thứ 3. Ví dụ, sản phẩm dệt may xuất khẩu nhiều sang EU, Hoa Kỳ, nhưng phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch tác động cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, thâm chí cả thương mại nội địa. Từ ngày 31/1, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ thị về các giải pháp đối phó với dịch, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể trong việc xuất, nhập khẩu, thị trường nội địa và các mặt liên quan đến ngành công thương. Riêng với tình hình tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, do vậy, khi thị trường này có biến động đã tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta. Ngay trong ngày 5/2, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo cho phép vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định, bảo đảm công tác phòng, chống dịch và không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Chính phủ rất cương quyết. Một mặt cố gắng có các biện pháp phù hợp để đối phó với dịch, mặt khác vẫn phải tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh”, ông Đỗ Thắng Hải nói. Tuy nhiên, về lâu dài, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần có giải pháp căn cơ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu của thị trường, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối nội địa, không quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt đây là thị trường Trung Quốc. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, hệ thống siêu thị kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Bộ yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống và sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo nhu cầu các mặt hàng thiết yếu của người dân. Với nhiều mặt hàng khác, không phải hàng nông sản, Bộ đã yêu cầu hệ thống thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan, hiệp hội ngành hàng mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc. 
Thanh Vân – Xuân Tùng

Có thể bạn quan tâm