Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng. Ảnh: huefpdf.org
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng. Ảnh: huefpdf.org
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho biết, chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; được các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức đồng tình ủng hộ và thực hiện; nhân dân hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ. Kết quả cụ thể của chi trả môi trường rừng là tạo ra khung pháp lý để huy động các nguồn lực xã hội bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng. Trong 7 năm (2012-2018), tổng số tiền chi trả cho hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư là 5.366 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm chi trả 766 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Chi trả dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa lớn và thiết thực đối với thu nhập của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình làm nghề rừng vùng núi cao. Tuy nhiên, các hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư sử dụng tiền nhận được từ chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ yếu cho chi tiêu sinh hoạt trong gia đình chứ chưa chú trọng đầu tư cho phát triển sản xuất để tạo thu nhập tăng thêm. Mục tiêu của hội thảo là nhằm chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm tốt của cộng đồng về sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho phát triển sinh kế bền vững. Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hiệu quả trong việc sử dụng tiền thu từ hoạt động dịch vụ môi trường rừng cho đầu tư phát triển sản xuất như: mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu chung của cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam; thành lập quỹ rừng cộng đồng, quỹ phát triển tín dụng sinh kế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; mô hình quỹ phát triển kinh kế cộng đồng tại Lào Cai; quỹ sử dụng chung và quỹ tín dụng vi mô tại Thanh Hóa... Theo ông Đỗ Đình Khang, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cộng đồng thôn Tân Mỹ được giao quản lý, bảo vệ gần 560 ha rừng tự nhiên. Để sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, thôn Tân Mỹ đã xây dựng mô hình quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bảo vệ, phát triển rừng và phát triển sinh kế cộng đồng. Với mô hình này, nguồn tiền chi trả được thực hiện công khai, minh bạch; thôn đã dành 70% kinh phí cho tuần tra, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng. Số còn lại, thôn trích cho vay chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế và các hoạt động khác. Các thành viên trong thôn thường xuyên được thăm hỏi, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sinh kế. Vì vậy, nhiều năm qua, rừng được giao cho cộng đồng thôn Tân Mỹ quản lý không bị khai thác, xâm lấn trái phép. Bên cạnh đó, các thành viên trong cộng đồng cũng đã trồng thêm 58 ha rừng kinh tế và phát triển 14 ha thảo dược dưới tán rừng. Đây là cơ hội để làm giàu rừng và cải thiện thu nhập cho các thành viên trong cộng đồng. Bà Lương Thị Bình, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây, việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng không hiệu quả vì tiền chi trả được chia đều cho các hộ, bình quân khoảng 100.000 - 200.000 đồng mỗi hộ, nên không đủ đầu tư phát triển sinh kế. Để sử dụng nguồn tiền chi trả có hiệu quả, xã đã xây dựng mô hình quỹ sử dụng chung và quỹ tín dụng vi mô. Hàng năm, căn cứ vào số tiền nhận được ban quản lý các thôn sẽ lập kế hoạch quản lý và sử dụng tiền theo tỷ lệ và sử dụng cho các mục đính khác nhau gồm: lập quỹ tuần tra bảo vệ rừng, chi trả các chi phí, thù lao cho các thành viên tổ bảo lâm; lập quỹ sử dụng chung cho phát triển cơ sở hạ tầng của thôn để làm mới và tu sữa các công trình nhà văn hóa, đường giao thông, hệ thống kênh mương...  và lập quỹ tín dụng vi mô do hội phụ nữ quản lý, tạo thành nguồn vốn quay vòng cho hội viên phụ nữ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và có kiến nghị về quy định pháp lý cần có để thể chế hóa việc huy động hay tháo gỡ những khó khăn, trở ngại với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để xây dựng quỹ phát triển sinh kế cộng đồng. Từ năm 1999, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã làm việc chặt chẽ với các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng để cung cấp và hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 150 dự án nhỏ tại hơn 40 tỉnh thành ở Việt Nam; trong đó, có nhiều quỹ sinh kế, quỹ vốn vay xoay vòng đã được thành lập và duy trì để hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế.
Tường Vi

Có thể bạn quan tâm