Hòa Bình triển khai Đề án chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020

Hòa Bình triển khai Đề án chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc xây dựng Đề án nhằm phát triển toàn diện khu vực nông nghiệp nông thôn là hết sức cần thiết; đồng thời các nội dung được giới thiệu rất quan trọng nên tỉnh sẽ triển khai sớm để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững gắn với đồng bộ các giải pháp chính sách.

Cùng với đó, ông đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố xây dựng Đề án để có thể triển khai nhanh vào thực tiễn; bổ sung nội dung chương trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về chương trình này; các huyện, thành phố xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương nhằm phát triển vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các đại biểu dự hội nghị cũng được ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương giới thiệu về chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm; chương trình OVOP Nhật Bản (mỗi làng một sản phẩm); chương trình OTOP Thái Lan (mỗi cộng đồng một sản phẩm); tổng quan chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2017 (mỗi xã, phường một sản phẩm) và hướng dẫn bộ công cụ nội dung và quy trình triển khai thu thập dữ liệu tại cấp huyện, điều tra khảo sát xây dựng Đề án.

Đề án được thực hiện tại các xã và khuyến khích thực hiện ở các khu vực đô thị (phường, thị trấn) do các đơn vị kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt thực hiện với các nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm - ẩm thực, đồ uống, thảo dược, vải, may mặc, trang trí - nội thất - lưu niệm, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

Qua đó, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh; đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa; lựa chọn các sản phẩm chủ lực, thế mạnh để đầu tư trở thành sản phẩm có thương hiệu; xây dựng tem nhãn, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ đem lại giá trị kinh tế cao; nâng cao thu nhập cho người sản xuất và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn phù hợp với từng vùng, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn…

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt đề cương Đề án chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 với kế hoạch như: tập huấn nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực; tổ chức các hội nghị, hội thảo về Đề án cũng như các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại.
Vũ Hà - Thanh Hải

Có thể bạn quan tâm