Hỗ trợ xây dựng mái ấm cho hộ nghèo ở Lai Châu

Hỗ trợ xây dựng mái ấm cho hộ nghèo ở Lai Châu
Theo thống kê của UBND tỉnh Lai Châu, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 3.865 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nâng cấp với tổng kinh phí thực hiện là 213,125 tỷ đồng; trong đó, vốn tín dụng ưu đãi là trên 96,6 tỷ đồng, nguồn huy động từ quỹ “Vì người nghèo” là 1,5 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, gia đình là 115 tỷ đồng…

Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân, từ năm 2016 đến hết năm 2017, toàn tỉnh hỗ trợ 834 nhà ở cho hộ nghèo. Sau khi vay vốn, các hộ đã xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích tối thiểu 24 m2 và 3 “cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, trong đó chính sách hỗ trợ nhà ở ổn định, an toàn cho các hộ nghèo đang mang lại hiệu quả thiết thực. Bà Sùng Thị Sua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu cho biết, công tác này đã huy động được sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể tại cơ sở, nhờ đó thay đổi hiện trạng nhà ở cho các hộ nghèo, giúp bà con thoát khỏi tình trạng ở trong nhà tranh tre, nứa lá xiêu vẹo, dột nát; khích lệ hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Để chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh Lai Châu đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm, xác định nhu cầu cần hỗ trợ, chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung nguồn nhân, vật lực để thực hiện. Các cấp, ngành tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện chính sách cho hộ nghèo theo quy định. UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ trực tiếp cho gia đình với việc giám sát mua nguyên vật liệu xây dựng và thi công; không thông qua trung gian theo phương thức “chìa khóa trao tay”. Việc hỗ trợ được đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng minh bạch trên cơ sở quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước. Với phương châm của tỉnh “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm” nghĩa là Nhà nước hỗ trợ vay vốn xây dựng mới hoặc sửa chữa với lãi suất ưu đãi; tổ chức, cá nhân, anh em, dòng họ, cộng đồng giúp hộ nghèo xây dựng nhà.

Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Duy - TTXVN
Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Ảnh: Nguyễn Duy - TTXVN  

Trong căn nhà xây kiên cố lợp tôn khang trang, anh Lò Văn Khuyên, dân tộc Thái ở bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi đã cố gắng lao động sản xuất nhưng vẫn không đủ tiền để làm nhà, phải dựng tạm ngôi nhà gỗ mối mọt không thể che chắn những lúc nắng mưa. Được Nhà nước cho vay 25 triệu đồng theo Quyết định 33 nên gia đình vay mượn thêm xây mới toàn bộ ngôi nhà. Ngôi nhà hoàn thành vào đầu năm 2017 với tổng diện tích sử dụng trên 100 m2 đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của gia đình. Giờ đây tôi không còn lo lắng mỗi khi mưa nắng, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.  Gia đình anh Lò Văn Khuyên vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 3%/năm trong thời hạn 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn vay.

Có thể nói, Quyết định 33 của Chính phủ đã thổi một luồng gió mới, góp phần tạo điều kiện để hộ nghèo xóa nhà tranh tre dột nát. Từ đó, góp phần hoàn thành tiêu chí nhà ở của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”, tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm