Hỗ trợ “hai lúa” chế tạo máy nông nghiệp

Hỗ trợ “hai lúa” chế tạo máy nông nghiệp
Thủ công... là chính

Bắc Bộ sắp vào vụ thu hoạch lúa mùa, nhiều gia đình lại huy động các thành viên ra đồng gặt lúa. Ông Vũ Trọng Trung ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết gia đình ông sẽ gặt lúa trong 10 ngày tới. Nếu thuê máy gặt là 180.000 đồng/sào (360 m2), gia đình ông Trung có 1 mẫu (10 sào) sẽ phải trả gần 2 triệu đồng tiền công.
Ông Trung cho biết: “Chỉ những gia đình không có nhân lực mới thuê máy gặt đập, còn lại đều gặt bằng tay, dù vất vả nhưng để tiết kiệm chi phí. Còn việc tiết kiệm tiền để mua máy gặt thì không khả thi, vì máy gặt đập nhập ngoại có giá thành rất cao 700 - 800 triệu đồng/máy, còn máy móc của nội thì không có”.
Hỗ trợ “hai lúa” chế tạo máy nông nghiệp ảnh 1
Máy nông nghiệp “12 trong 1” của nông dân Tạ Đình Huy.

Quy trình sản xuất của nông nghiệp Việt Nam dường như vẫn không có sự thay đổi qua nhiều năm. Phương thức sản xuất thủ công, lạc hậu, tốn nhiều nhân lực và chưa được cơ giới hóa (CGH). Thực tế đáng buồn này được ông Bạch Quốc Khang, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch chia sẻ: “Mức độ trang bị máy móc cho nông nghiệp Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, đa phần là cỡ nhỏ, hiệu quả chưa cao. Mức độ trang bị CGH không đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng cao, khiến cho năng suất lao động, năng suất nông nghiệp chung của cả nước còn thấp”.
Lý giải cho điều này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Mặc dù Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2020, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ sở nào chế tạo được động cơ diesel, nên không tạo được vị thế của Việt Nam trong việc chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp”.
Do vậy, trên thị trường máy móc nông nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... đang chiếm số áp đảo gần 70%, trong khi đó sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm từ 15 - 20%.
Hỗ trợ sản xuất máy trong nước
Một nền nông nghiệp tiên tiến bắt buộc phải thực hiện CGH, hiện đại hóa. Thực tế, trong thời gian qua, hầu hết các sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam lại đến từ người nông dân.
Nông dân Tạ Đình Huy (SN 1982), ở thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội được bà con nông dân khắp cả nước biết đến với “tác phẩm” máy nông nghiệp “12 trong 1 made in Việt Nam” với hàng nghìn chiếc đã được tiêu thụ, thậm chí còn xuất khẩu sang Lào. Chiếc máy này có chức năng như cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt... Máy của anh tận dụng nguyên liệu cũ, phế thải, động cơ từ xe máy cũ nên có giá rẻ từ 7 - 20 triệu đồng/chiếc, phù hợp với đa phần thu nhập của người dân.
Không chỉ riêng anh Huy, trên cả nước xuất hiện khá nhiều “kỹ sư” nông dân. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Kỹ sư nông dân đã tạo được ra nhiều sản phẩm tốt, thiết thực với nông dân, giải quyết ngay những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Có những cơ sở phát triển được cả máy gặt đập liên hợp như: Phan Tấn - Đồng Tháp; Tư Sang - Tiền Giang; Hoàng Thắng - Cần Thơ; Bùi Văn Ngọ có máy chế biến gạo tầm cỡ khu vực...”.
Do vậy, theo các chuyên gia nông nghiệp, thay vì đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu lớn, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chế tạo ra các thiết bị, máy móc phù hợp, giá rẻ cho nông dân.
Nông dân Tạ Đình Huy cho biết: “Tôi muốn kết hợp với các doanh nghiệp lớn, các viện nghiên cứu để tạo ra các động cơ tốt hơn, tăng cường thêm các tính năng cho máy và nếu được sản xuất hàng loạt thì giá thành sẽ rẻ hơn nữa, tiết kiệm chi phí cho bà con mà hiệu quả được tăng lên”.
Theo Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, Quỹ Phát triển công nghệ Quốc gia cần gắn hoạt động nghiên cứu với chuyển giao, đổi mới phương thức hỗ trợ từ các viện nghiên cứu là chủ yếu sang kết hợp giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm thương mại.
Về vấn đề này, PGS.TS Chu Văn Thiện - Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đề xuất: Nhà nước nên hỗ trợ nông dân trực tiếp đầu tư máy móc nông nghiệp gắn với việc khuyến khích chế tạo máy móc trong nước. Máy móc nông nghiệp ở Hàn Quốc, Nhật Bản dù có giá không rẻ nhưng nhiều nông dân vẫn mua sắm được vì họ được hỗ trợ. Ngoài ra, Nhà nước cần điều chỉnh mức hỗ trợ theo Quyết định 68/2014/QĐ - TTG theo hướng nâng mức hỗ trợ với các máy móc sản xuất trong nước, khuyến khích người dân sản xuất và tiêu dùng hàng nội địa.

Có thể bạn quan tâm