Hiệu quả từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Hiệu quả từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai
Thông qua việc triển khai mô hình, toàn tỉnh Gia Lai đã thành lập được 43 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng”, thu hút hơn 500 hội viên tham gia tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng. Từ số tiền tiết kiệm này, các chị em có điều kiện để chăm lo cho con em mình học tập, mua bảo hiểm y tế và các vận dụng thiết yếu khác hoặc tái đầu tư phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình.

Theo chị Đinh Thị Em - Chi hội Phụ nữ làng Yun, xã Yang Bắc (huyện Đăk Pơ), chị tham gia câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng” ngay từ những ngày đầu hình thành. Hàng tháng, chị tiết kiệm từ các khoản chi tiêu và khoản thu nhập của gia đình để gửi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay, chị đã tiết kiệm được gần 7 triệu đồng và phấn đấu tiết kiệm 10 triệu đồng để mua tủ lạnh phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Tham gia câu lạc bộ, các chị em được các cấp Hội phụ nữ trực tiếp hướng dẫn tiết kiệm tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình như tiết kiệm trong chi tiêu, các khoản thu nhập hàng ngày… để tạo nguồn tích lũy phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của từng gia đình. Ngoài ra, qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các chị em được gần gũi chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, động viên nhau tham gia tiết kiệm và lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp, đề phòng những lúc gia đình khó khăn đột xuất. Bằng những hình thức vận động cụ thể, thiết thực, câu lạc bộ bước đầu tạo được điểm nhấn trong thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiết kiệm và sử dụng nguồn tiết kiệm hợp lý trong phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chị Phạm Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Pơ cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai mô hình tại 25 chi hội và đã ra mắt được 4 câu lạc bộ với 40 hội viên. Tham gia câu lạc bộ, các chị em đều rất cầu thị và nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, hầu hết các chị đều có số dư tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ 4 - 5 triệu đồng. Nhiều hộ đã sử dụng số tiền tiết kiệm của mình mua bảo hiểm y tế và tái đầu tư trồng bắp, mía, nuôi dê… để tăng thu nhập cho gia đình.

Với những hiệu quả đạt được, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Pơ sẽ nhân rộng mô hình này gắn với những chương trình hỗ trợ người nghèo. Cùng lồng ghép với câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng”, các chị em còn được hỗ trợ vốn vay từ các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; đồng thời được tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi là nền tảng bền vững để chị em vươn lên thoát nghèo, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bà Phạm Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai khẳng định, câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng” được đánh giá là một mô hình rất hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và được sự đồng thuận, tích cực tham gia của chị em hội viên phụ nữ.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai sẽ hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh triển khai nhân rộng mô hình, không chỉ trong đồng bào dân tộc thiểu số mà còn mở rộng ra các chi hội người Kinh trên địa bàn tỉnh. Hội Liên hiệp Phụ nữ đang nghiên cứu đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đề tài vai trò mẫu hệ của phụ nữ dân tộc thiểu số Jarai, Banar trong công tác tuyên truyền, vận động hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên làm giàu góp phần ổn định cuộc sống nơi vùng nông thôn.

Mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng” tuy mới hình thành trong thời gian ngắn nhưng đã tạo được sự đồng thuận, niềm tin trong cộng đồng các phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Số vốn tích lũy ban đầu tuy còn khiêm tốn song phần nào đã góp phần giải quyết được những khó khăn đột xuất của các gia đình, hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng, đồng thời có vốn để tái sản xuất, phát triển kinh tế góp phần thực hiện tiêu chí “không đói, giảm nghèo” của cuộc vận động “xây dựng 5 không, 3 sạch” và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong tương lai.
          Nguyễn Hoài Nam

Có thể bạn quan tâm