Hiệu quả từ lò đốt rác thải ở nông thôn

Hiệu quả từ lò đốt rác thải ở nông thôn
Lò đốt rác mini đã phát huy hiệu quả
Lò đốt rác mini đã phát huy hiệu quả

Dọc theo tuyến đường ấp 5, xã Vị Thanh (Hậu Giang), là những lò đốt rác liên gia được xây cách đây vài năm. Rác thải được phân loại sau đó bỏ vào lò từ 1-3 ngày sẽ đốt một lần, nhờ vậy mà tình trạng vứt rác xuống kênh, rạch được khắc phục. Dọc theo các tuyến đường bây giờ rất sạch đẹp, thông thoáng không còn cảnh rác đổ đống, bọc nilon đủ màu vứt bừa bãi mất vẻ mỹ quan như trước đây. Ông Quách Văn Danh, ở ấp 5, xã Vị Thanh, cho biết: “Chi phí mỗi lò chỉ từ 200.000-300.000 đồng, những hộ gần nhau có thể hùn làm 1 lò để sử dụng chung nên rất tiện lợi”.

Còn ông Lê Văn Canh, cùng ở ấp 5, chia sẻ: “Mỗi ngày đi chợ về, tôi tính có 4-5 túi nilon đựng thức ăn, trước đây cứ tiện tay vứt ra vườn. Gia đình cũng gom lại rồi đào hố chôn lấp trong vườn nhưng chưa thấy ổn. Bây giờ, có lò nên sau khi đốt rác xong, tôi có thể tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón cho cây trồng”.

Tại ấp 5 và ấp 7, xã Vị Thủy, bên cạnh tuyến đường được làm bằng bê tông sạch sẽ, rộng rãi là những lò đốt rác được xây dựng ngăn nắp. Theo nhiều người dân ở đây thì trước kia dọc đường, ngõ xóm thường xuất hiện những bãi rác nhỏ tự phát do người dân tự ý vứt rác ra đường. Thực hiện chủ trương xây dựng lò đốt rác gia đình, xã đã giao cho chi hội phụ nữ xây dựng thí điểm trong đảng viên và hội viên phụ nữ 2 ấp, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang hỗ trợ kinh phí xây 100 lò. Ban đầu chỉ có một vài hộ dân làm theo, nhưng sau khi thấy được hiệu quả thiết thực từ những lò đốt rác mang lại nên bà con đã xây dựng được gần 400 lò. Ông Mai Văn Xô, ở ấp 3, xã Vị Thủy, phấn khởi nói: “Cứ cách 1-2 ngày, gia đình tôi đốt rác 1 lần. Có nắp đậy là tấm tôn nên nước không thể lọt vào, nhờ vậy mùa nắng hay mưa lò vẫn sử dụng được. Từ ngày làm được mô hình này thì nhà cửa sạch sẽ, tro, bụi đốt rác và đồ thải từ rau, củ, quả, được bỏ vào hố nhỏ gần đó ủ thành phân bón sử dụng trong trồng trọt.

Theo ước tính của ngành tài nguyên và môi trường huyện, hiện nay mỗi ngày bình quân một hộ dân nông thôn có lượng rác thải sinh hoạt gần 1kg. Tuy mô hình xử lý rác tại hộ gia đình này mới thí điểm, nhưng qua quá trình áp dụng thực tế, những lò đốt rác tại hộ gia đình bước đầu góp phần thay đổi nhận thức của người dân nông thôn trong việc bảo vệ môi trường, cũng như giải quyết trước mắt bức xúc về xử lý rác thải khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Văn Truân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Thủy, cho biết: “Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng xã Vị Thắng đạt tiêu chí số 17 (môi trường) theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Theo đó, ngoài đầu tư 14 điểm tập kết chai, lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật tại các ấp và hợp đồng với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị đặt trên 40 thùng rác dọc theo tuyến Quốc lộ 61 đoạn qua địa bàn xã, sẽ xây 2 lò đốt rác cho 2 trường tiểu học. Đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân làm lò đốt rác mini để tự xử lý rác thải của gia đình, nhằm bảo vệ môi trường sống được trong lành, sạch sẽ đường làng ngõ xóm”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm