Hiệu quả từ giao khoán đất rừng cho cộng đồng ở vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Hiệu quả từ giao khoán đất rừng cho cộng đồng ở vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Một góc vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Một góc vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Chính vì vậy, từ năm 2015 đến nay, Ban Quản lý vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã chủ động thực hiện giao khoán đất rừng trên diện rộng cho các cộng đồng dân cư sinh sống tại vùng đệm. Điều này góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như cải thiện đời sống cho bà con nhân dân. Cụ thể, trong năm 2019, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã tổ chức giao khoán 17.950 ha rừng cho 23 nhóm hộ thuộc vùng đệm với tổng kinh phí gần 6,5 tỷ đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Để tham gia nhận khoán, các nhóm hộ thuộc các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đệm vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cử đại diện làm việc trực tiếp với Ban Quản lý vườn, nắm bắt thông tin, tình hình, vị trí nhận khoán cũng như các quy định trong quá trình nhận khoán đất rừng. Quá trình thực hiện, tại các trạm kiểm lâm, các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng được chia nhỏ thành nhiều tổ nhận khoán và tiến hành tuần tra, kiểm tra rừng và nghiệm thu giao khoán thành nhiều đợt mỗi tháng, đảm bảo tất cả người dân tham gia khoán quản lý, bảo vệ rừng đều nắm rõ vị trí tại khoảnh, lô mình nhận khoán. Ông Hoàng Trọng Thái, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết, trong công tác tuần tra, đơn vị phân công theo dạng cuốn chiếu, hai người dân làng thì có một cán bộ kiểm lâm cùng đi. Trên rừng, đơn vị đặt các điểm chốt ở những vị trí  cao – nơi nghe được toàn bộ diễn biến của các sự việc xảy ra như tiếng xe ra vào hay tiếng máy cưa để kịp thời khống chế, ngăn chặn. Ngoài ra, trong quá trình tuần tra, các đơn vị kiểm lâm của vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng sử dụng hệ thống định vị GPS để vẽ các tuyến đường và lưu lại các điểm có hiện tượng, có khả năng xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái phép để nhắc nhở bà con nhân dân chú ý khi đi tuần tra. Việc chi trả nguồn dịch vụ môi trường rừng trong giao, nhận khoán rừng cũng được Ban Quản lý vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đặc biệt chú trọng và thực hiện công khai, minh bạch. Với việc ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai, nguồn tiền dịch vụ được trao cho cộng đồng nhận khoán sau khi đơn vị hoàn tất việc đánh giá, nghiệm thu rừng giao khoán cho các cộng đồng dân cư.
Cán bộ kiểm lâm và bà con nhận khoán bảo vệ rừng tại khu vực rừng của làng Đê KJiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Cán bộ kiểm lâm và bà con nhận khoán bảo vệ rừng tại khu vực rừng của làng Đê KJiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Anh Toang, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng làng Đê KJiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cho biết, trước kia, cuộc sống gia đình anh cũng như nhiều hộ dân trong làng rất vất vả vì phải thường xuyên chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên, từ khi được tham gia nhận khoán đất rừng, ngoài khoản thu nhập từ việc nhận khoán, anh còn có thể thu thêm các lâm sản phụ như măng, đót, nấm,… nên cuộc sống đã ổn định hơn. Bên cạnh việc giao khoán và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất chú trọng vào việc tuyển chọn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, với nòng cốt từ người dân địa phương. Anh Byứt, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng làng Đê KJiêng cho biết, anh làm tổ trưởng từ năm 2015 đến nay, với tổng diện tích gần 2.000 ha. Trong quá trình làm việc, anh luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, không để xảy ra sai sót dẫn đến tình trạng phá rừng hay xâm hại đa dạng sinh học trong khu vực rừng được giao khoán. Nhờ đó, cuối năm 2019, anh được Ban Quản lý vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ký hợp đồng, trở thành cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. “Đây là vinh dự đối với bản thân tôi cũng như làng Đê KJiêng. Trở thành cán bộ chuyên trách, tôi nhận thức được mình cần phải nâng cao trách nhiệm cho bản thân cũng như bà con trong làng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”, anh Byứt vui vẻ nói. Theo ông Mai Thanh Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Mang Yang, hằng năm, xã luôn phối hợp với vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trong công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu lợi ích từ việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học trong rừng. Trong đó, việc giao khoán và hỗ trợ kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng đã giúp bà con nhân dân cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn xã từ 35,5% năm 2016 xuống còn 16,61% trong năm 2019. “Về phía địa phương, chúng tôi cũng mong muốn vườn Quốc gia Kon Ka Kinh quan tâm hơn nữa trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bà con nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân về các thông tư, nghị định mới của Chính phủ về luật lâm nghiệp để bà con được tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao nhận thức, góp phần quản lý tốt tài nguyên rừng cho vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”, ông Chung cho biết thêm. Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết, trong năm 2020, vườn sẽ tiếp tục duy trì diện tích giao khoán là 17.950 ha cho người dân tại các làng thuộc vùng đệm của vườn. Bên cạnh đó, Ban Quản lý vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyển chọn người dân tham gia nhận khoán có ý thức làm việc tốt vào lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; phát triển cộng đồng vùng đệm của vườn. “Trước đây, người dân sinh sống tại các vùng đệm là những đối tượng có khả năng cao xâm hại đến rừng và đa dạng sinh học của vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Nhưng hiện nay, thông qua việc giao khoán, chính những người dân tham gia công tác bảo vệ rừng lại trở thành người ngăn chặn những tác động xấu đến đa dạng sinh học của vườn. Nhờ đó, các vụ vi phạm được phát hiện kịp thời và ngăn chặn triệt để, không xảy ra vụ việc nào vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng trong năm 2019”, ông Hoan nhấn mạnh.
Dư Toán

Có thể bạn quan tâm