Hiệu quả từ Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tại Hà Giang

Hiệu quả từ Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tại Hà Giang
Anh Mai Văn Nhàn, thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) phát triển kinh tế nhờ vào nguồn vốn của chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Anh Mai Văn Nhàn, thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) phát triển kinh tế nhờ vào nguồn vốn của chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Huyện Hoàng Su Phì là một trong 5 huyện của tỉnh Hà Giang được triển khai “Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa” từ tháng 4/2015 trên địa bàn 8 xã. Ông Vũ Thế Phương, Chánh Văn phòng huyện Hoàng Su Phì, Tổ phó Tổ hỗ trợ chương trình cho biết: Tính đến tháng 10/2019, trên 4.700 hộ với hơn 23.400 nhân khẩu ở 8 xã được hưởng lợi trực tiếp, trong đó hơn 1.000 hộ thoát nghèo.

Được thành lập từ năm 2017, nhóm cùng chung sở thích nuôi trâu tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì đã giúp 11 thành viên của nhóm được tiếp cận vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh đúng cách. Anh Mai Văn Nhàn, thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì cho biết, anh và các thành viên được hỗ trợ tiền mua trâu với mức trên dưới 10 triệu/con. Đến nay, đàn trâu nhà anh có 5 con với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Lù Seo Seng, Chủ tịch UBND xã Chiến Phố, xã có 13 nhóm cùng sở thích như nhóm nuôi trâu, nuôi dê, nhóm trồng mận và cây đậu tương... trong đó nhóm cùng sở thích nuôi trâu mang hiệu quả kinh tế cao nhất. “Là xã có lợi thế trong việc chăn nuôi gia súc, trong đó đặc biệt là nuôi trâu, bò và dê. Do vậy, những gia đình trong nhóm nuôi trâu đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt hơn, nhóm nuôi trâu còn tạo việc làm và thu nhập cho nhiều hộ từ việc trồng cỏ bán” - ông Seng cho biết thêm.

Để giúp người dân trong vùng dự án tiêu thụ sản phẩm, Tổ hỗ trợ chương trình huyện Hoàng Su Phì lựa chọn một số hộ kinh doanh có đủ năng lực để đồng tài trợ mua sắm máy móc, mở rộng nhà xưởng để nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm; đồng thời có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Điển hình như cơ sở chế biến tinh dầu Thanh Nhàn của chị Nguyễn Thị Nhàn (thôn Tấn Sà Phìn, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì) được Chương trình hỗ trợ 600 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc. Cơ sở đã đứng ra hợp đồng cung ứng giống cây nghệ, gừng, xả và bao tiêu sản phẩm cho người dân trong xã Nậm Ty và các xã lân cận. Cơ sở thu mua hàng trăm tấn nguyên liệu/năm cho người dân. Mỗi năm, cơ sở chế biến tinh dầu Thanh Nhàn có thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Ông Đỗ Đình Huy, Phó Giám đốc Ban điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 450 nhóm đồng sở thích được chương trình tài trợ, trong đó có hơn 200 nhóm có liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã về thị trường đầu ra. Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển đã hỗ trợ trên 200 nhóm tín dụng tiết kiệm (quỹ dành cho chị em vay vốn để phát triển kinh tế). Các nhóm này đều có sự liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mà đã được chương trình hỗ trợ.

“Tỷ lệ hộ nghèo trong 30 xã này năm 2018 so với năm 2015 đã giảm khoảng 17%. Cũng trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, toàn tỉnh Hà Giang giảm trên 12%. Thu nhập của người dân vùng dự án cũng tăng 15 - 20%, cá biệt có những nhóm cùng sở thích có thu nhập tăng 35 - 45%” - ông Huy cho biết thêm.

Trong năm 2019, tỉnh Hà Giang đã giải quyết việc làm mới cho 21.056 lao động. Các chính sách, dự án giảm nghèo cũng đã giúp Hà Giang giảm được 7.259 hộ nghèo, tương đương 4,44%. 

Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa được triển khai tại tỉnh Hà Giang do Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ với tổng nguồn vốn 33,712 triệu USD; trong đó vốn ODA của IFAD là 20 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ và vốn đóng góp của các bên hưởng lợi.
Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm