Hiệu quả từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở Kon Tum

Hiệu quả từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở Kon Tum
Trồng củ sâm dây góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Trồng củ sâm dây góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Tại huyện Tu Mơ Rông, sau 3 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bình quân hàng năm toàn huyện giảm được trên 5% hộ nghèo. Tính đến cuối  năm 2018, huyện còn 3.228 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 52,42% so với tổng số hộ dân toàn huyện và 506 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,22% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông bày tỏ, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng được củng cố và nâng cấp tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại cũng như vận chuyển, giao lưu hàng hoá, nông sản thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống người dân địa phương. Các công trình thuỷ lợi được đầu tư phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho nhân dân, giảm đáng kể việc phát rừng làm nương rẫy, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, từng bước xoá đói giảm nghèo cho người dân… Trong giai đoạn 2016- 2018, nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum 1.324 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách này, cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia chính là “đòn bẩy” để phát triển kinh- xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Đến cuối năm 2018, tỉnh Kon Tum đã có 18/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân  đạt 10,2 tiêu chí nông thôn mới/xã. Từ nguồn vốn của Chương trình 135, các địa phương tiến hành hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại; hỗ trợ vật tư phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng các mô hình chuồng trâu, bò bền vững; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất với tổng số hộ được hưởng lợi là 20.491 lượt hộ nghèo; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước cải thiện thu nhập cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã góp phần rất lớn vào việc giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 23,03% năm 2016 giảm xuống còn 20,3% năm 2017 và năm 2018, giảm còn 17,29%.

Quang Thái

Có thể bạn quan tâm