Hiệu quả mô hình ''Nhượng quyền xã hội '' trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Hiệu quả mô hình ''Nhượng quyền xã hội '' trong chăm sóc sức khỏe sinh sản
Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho đại diện Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSI VN) .Ảnh: Quánh Hà-TTXVN
Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho đại diện Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSI VN) .Ảnh: Quánh Hà-TTXVN

Dự án do Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ và Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSI VN) hỗ trợ về kỹ thuật, tập trung khảo sát và đánh giá, nâng cao năng lực người cung cấp dịch vụ và chất lượng dịch vụ, nâng cao nhận thức và nhu cầu, nhân rộng mô hình. 

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện dự án tại 30 xã thuộc 5 huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho thấy, hiệu quả mang lại thiết thực, phụ nữ được hưởng lợi trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. D ự án đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp 30 phòng thương hiệu đặt tại trạm y tế và phòng khám, trang bị nhiều thiết bị y tế có giá trị như máy Doppler tim thai, bộ dụng cụ đỡ đẻ và khám phụ khoa, bộ giáo cụ trực quan, nồi hấp chuyên dụng... 

Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam mở 26 khóa tập huấn với 556 lượt học viên là cán bộ, nhân viên các trạm y tế. Nhân viên y tế xã tại 30 xã triển khai dự án cơ bản nắm vững kiến thức và kỹ năng hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu, phòng chống nhiễm khuẩn, tư vấn sức khỏe sinh sản, chất lượng dịch vụ và tạo nhu cầu khách hàng, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình... 

Quang cảnh hội nghị.Ảnh: Quánh Hà-TTXVN
Quang cảnh hội nghị.Ảnh: Quánh Hà-TTXVN

Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam định kỳ phối hợp Sở Y tế tỉnh Cà Mau thực hiện các đợt giám sát, đánh giá, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng một cơ sở vững chắc cho việc nhân rộng mô hình. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ người cung cấp dịch vụ tại trạm y tế có đủ năng lực thực hành các tiêu chuẩn ''Nhượng quyền xã hội'' và các kỹ năng cần thiết trong trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Trong thời gian thực hiện dự án tại Cà Mau, các trạm y tế đã phục vụ cho trên 280.000 lượt khách hàng. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, đại diện Tổ chức Marie Stopes tại Việt Nam mong muốn mô hình tiếp tục nhận được quan tâm của Sở Y tế và các ban, ngành tỉnh Cà Mau nhằm phát huy tốt hiệu quả, phục vụ đông đảo người dân trên địa bàn. Đồng thời, cam kết chặt chẽ trong việc hỗ trợ kỹ thuật và quảng bá mô hình ''Nhượng quyền xã hội'', ''Tình chị em'' trên phạm vi quốc gia và toàn cầu, nhằm tranh thủ sự ủng hộ cho việc luân chuyển mô hình trong tương lai. 

Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho rằng: ''Nhượng quyền xã hội'' là mô hình mới, trong đó lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình là nhu cầu cần thiết đối với tỉnh Cà Mau. Việc tích hợp mô hình trên vào các cơ sở y tế tuyến xã đã góp phần quan trọng trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ. Sau khi tiếp cận dự án ''Tình chị em'', các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã sớm tổ chức các hoạt động theo khuôn khổ dự án. Kết quả thực hiện dự án đều đạt mục tiêu cải thiện sức khỏe bà mẹ thông qua việc nhân rộng toàn quốc mô hình "nhượng quyền xã hội" tại các cơ sở y tế công, cung cấp dịch vụ có chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Sự nỗ lực đóng góp của tất cả nhân viên y tế trong hệ thống mạng lưới "Tình chị em" và hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cũng được xem là nhân tố tích cực tạo nên kết quả của dự án. 

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, khi dự án ''Tình chị em'' kết thúc, tỉnh tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình ''Nhượng quyền xã hội'' để tạo cơ hội cho nhiều người dân trong tỉnh được hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

Có thể bạn quan tâm