Hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sốp Cộp

Hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sốp Cộp
Bà Quàng Thị Thiên (búi tóc), huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đang chăm sóc bò sinh sản từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
 Bà Quàng Thị Thiên (búi tóc), huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đang chăm sóc bò sinh sản từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Chỉ tính trong 2 năm (2016, 2017), từ các nguồn vốn của Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, huyện Sốp Cộp đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho trên 4.570 hộ với tổng kinh phí hơn 16.950 triệu đồng. Trong số đó, Chương trình 135 hỗ trợ bà con về giống cá, ngan; mô hình trồng cây ăn quả, trồng sa nhân tím, mô hình ngựa sinh sản; hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp... Còn chương trình của Nghị quyết 30a hỗ trợ người dân về các giống xoài, cam, cà phê; hỗ trợ dê giống; hỗ trợ phân bón; hỗ trợ trồng rừng…   Ông Lò Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết, những năm qua, huyện đã quan tâm hỗ trợ hộ nghèo trong phát triển chăn nuôi; đặc biệt là mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại bản Mường Lạn. Đến nay, bò cái của các hộ đã sinh sản và phát triển tốt. Gia đình chị Quàng Thị Lanh ở bản Mới, xã Nậm Lạnh, trước đây là hộ nghèo nhưng năm 2016 được hỗ trợ 9 con dê sinh sản từ nguồn vốn của Chương trình 30a. Đến nay, số dê đã sinh sản được 19 con. Đàn dê phát triển rất tốt, gia đình đã bán đi lấy tiền mua con giống (gà, vịt) về nuôi và mua được tivi. Hiện giờ, gia đình chị đã bớt khó khăn rất nhiều. Cùng đó còn có mô hình chăn nuôi ngựa cái sinh sản với quy mô hơn 130 con tại các xã Púng Bánh, Mường Lèo, Sam Kha và mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, quy mô trên 70 con tại hai xã Mường Lạn và Sam Kha... đang phát huy hiệu quả. Nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ, hiện nay ở Sốp Cộp còn có các mô hình thâm canh và trồng cây ăn quả như: cam, quýt, xoài tại các xã Nậm Lạnh, Mường Và, Mường Lạn đang phát huy hiệu quả. Năm 2015, gia đình ông Lò Văn Sai ở bản Cống (xã Mường Lạn) được hỗ trợ 80 cây xoài. Sau một thời gian trồng, chăm sóc, cây xoài phát triển tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng nên ông tiếp tục đầu tư trồng 2.000 cây. Trước đây, gia đình ông trồng ngô, sắn để bán nhưng hiệu quả không cao. Nhờ các chính sách hỗ trợ về cây giống, 3 năm nay, gia đình ông đã trồng cây ăn quả xoài và nhãn. Năm 2017, từ bán nhãn và xoài, gia đình ông đã thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm 2018, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Sốp Cộp sử dụng nguồn vốn trên 15.650 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc hỗ trợ cây giống (lúa, ngô), cây ăn quả, phân bón; con giống (trâu, bò, ngựa); tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.   Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Vũ Văn Quân cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nguồn vốn tập trung thực hiện, khuyến khích đầu tư những bản đặc biệt khó khăn để xây dựng các mô hình sản xuất, giúp người dân ổn định cuộc sống. Huyện cũng tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, tình hình triển khai thực hiện các chương trình để phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ đặt ra. Từ những kết quả đạt được, với mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 4 - 5% tỷ lệ hộ nghèo, huyện Sốp Cộp tiếp tục xác định ưu tiên đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Huyện Sốp Cộp cũng khuyến khích áp dụng rộng rãi các mô hình sản xuất đã thực hiện thành công, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Cường – Lò An

Có thể bạn quan tâm