Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng chủ trì Hội thảo. Dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, đặc biệt là người được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam chiếm ¾  diện tích tự nhiên của cả nước. 53 dân tộc thiểu số (DTTS) có khoảng 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống tại khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, trong những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Ngày 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia, NHCSXH đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có đồng bào DTTS.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải 
Trong những năm qua, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ban ngành và UBDT thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Báo cáo tại hội thảo, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ NHCSXH được triển khai kịp thời, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.

Tính đến 31/8/2019, NHCSXH đang quản lý các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, với 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với doanh số cho vay 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải 

Riêng các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS theo các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg; Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg: Doanh số cho vay đạt 3.830 tỷ đồng; doanh số thu nợ 1.411 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 2.342 tỷ đồng, với 163.694 hộ đang dư nợ và hơn 371 nghìn lượt hộ vay vốn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải 

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó: có hơn 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động (hơn 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp hơn 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở...

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Hiệu quả xã hội của NHCSXH đã được phát huy thiết thực. NHCSXH cho vay với thủ tục đơn giản, giải ngân tại xã rất phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào. NHCSXH đã hạn chế phần nào tín dụng đen ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, góp phần củng cố hệ thống chính quyền, góp phần tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.

Ủy ban Dân tộc cam kết đồng hành cùng với NHCSXH, hướng dẫn các cơ quan dân tộc các cấp phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh, các Ban đại diện để thực hiện tốt hơn nữa các chính sách tín dụng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến có ý kiến: cơ chế cho hộ gia đình cá nhân vay như hiện nay là rất tốt nhưng để khai thác tiềm năng lợi thế so sánh của vùng DTTS và miền núi, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, đề nghị NHCSXH phối hợp với UBDT đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi sự kinh doanh ở vùng DTTS và miền núi vay tín dụng CSXH với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất phù hợp, đủ sức hấp dẫn để phát huy hiệu quả và xung lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi. Trước mắt, lập đề án xin thực hiện thí điểm nội dung này và cụ thể hóa trong Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi tới đây trình Quốc hội.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đều có chung nhận định rằng: Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Vốn vay ưu đãi giúp các hộ đồng bào dân tộc ở Mù Cang Chải giảm nghèo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Vốn vay ưu đãi giúp các hộ đồng bào dân tộc ở Mù Cang Chải giảm nghèo.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2007 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016 – 2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,35%; đặc biệt là giảm nghèo trong khối đồng bào DTTS.

Đại diện cho các đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, bà Triệu Thị Nga, người dân tộc Dao ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, đã chia sẻ những câu chuyện thực tế, trải nghiệm của mình khi cải thiện được cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách đầy ý nghĩa nhân văn này.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào DTTS là một điểm sáng trong các chính sách dành cho đồng bào DTTS. Quá trình triển khai thực hiện đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Chính sách tín dụng đã tạo cơ hội rất lớn cho các hộ đồng bào DTTS và giúp cho đồng bào có sinh kế phù hợp, thay đổi, cải thiện nâng cao mức sống của mình. Chính sách tín dụng đã tạo nên một bước chuyển trong thực hiện chính sách, không còn bao cấp nữa, giảm đi tâm lý trông chờ, ỷ lại; đã hỗ trợ có mục tiêu, có điều kiện và quan trọng nhất là nâng cao trách nhiệm của các hộ gia đình tiếp cận chính sách; tạo cho các hộ đồng bào DTTS tự vươn lên để thoát nghèo bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị đề nghị các bộ, ngành chức năng cần tập trung xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của NHCSXH để tạo điều kiện cho NHCSXH triển khai thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác; đặc biệt là phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng chính sách tín dụng, hướng chính sách đến mục tiêu thoát nghèo có tính bền vững tốt hơn để người dân, nhất là đồng bào DTTS có thể vươn lên thoát nghèo. NHCSXH cũng cần tiếp cận mạnh hơn tính đa chiều của giảm nghèo bền vững để việc cho vay đến được với từng đối tượng cụ thể với những nhu cầu cụ thể. Tín dụng đối với đồng bào DTTS cũng cần tiếp tục có sự phân hóa để đáp ứng sự đa dạng của chính sách, không cào bằng mức cho vay đối với các địa bàn, các đối tượng khác nhau.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh Hoàng Hải
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh Hoàng Hải 
Kết luận Hội thảo, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng cho biết: Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến của các đại biểu để báo cáo, kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý; đồng thời, sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tiếp thu các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền giải quyết của NHCSXH và UBDT để triển khai ngay trong thời gian tới. NHNS đã trình Chính phủ dự thảo Đề án tài chính toàn diện. Đây là một đề án tầm vĩ mô để nâng cao chất lượng tín dụng; trong đó tập trung cung cấp các giải pháp không chỉ là nguồn vốn cho vay mà còn có các dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế ở vùng sau, vùng xa, vùng DTTS và miền núi chưa có điều kiện để tiếp cận.
           Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm