Hiểm hoạ từ những cây cầu xuống cấp tại Lâm Đồng

Hiểm hoạ từ những cây cầu xuống cấp tại Lâm Đồng
Cầu Ông Thiều bắc qua sông Đa Nhim, chiếc cầu này đã xuống cấp, không có lan can, rào chắn. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN
Cầu Ông Thiều bắc qua sông Đa Nhim, chiếc cầu này đã xuống cấp, không có lan can, rào chắn. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Nhiều năm qua, người dân khắp vùng Tu Tra, Ka Đô, Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) phải thấp thỏm khi đi qua cầu tràn ông Thiều, bắc qua sông Đa Nhim, nối thị trấn Thạnh Mỹ với xã Tu Tra. Cây cầu này được xây dựng cách đây hàng chục năm trước, đã quá cũ nát. Ngoài các trụ cầu bằng bê tông thì kết cấu còn lại hoàn toàn bằng sắt. Hơn nữa, cầu không có lan can hai bên nên rất nguy hiểm cho người đi qua khi mặt cầu đã hư hỏng, trơn trượt. Ông Phan Công Thành, ngụ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết: “Cầu này xuống cấp từ lâu lắm rồi. Người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết, giờ chúng tôi chỉ mong muốn được gắn thêm đèn chiếu sáng ở hai đầu cầu và lắp lan can để người dân đi lại cho an toàn trong khi chờ đợi xây cầu mới”.

Thực tế, chỉ trong vòng nửa tháng qua, trên cầu ông Thiều đã xảy ra hai vụ tai nạn ngã xe trên cầu, làm 3 người rơi xuống sông, khiến cháu Sa Min (8 tuổi, ngụ xã Đạ Ròn, Đơn Dương) bị nước cuốn trôi và thiệt mạng. Hai nữ sinh khác cũng bị nước cuốn nhưng may mắn được cứu thoát. Sau những sự cố liên tiếp, chính quyền địa phương đã cử người chắn gác hai bên cầu ông Thiều, đồng thời trang bị thêm áo phao để ứng phó với những vụ việc tương tự. Tuy nhiên đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, công an viên xã Tu Tra, sau khi liên tiếp xảy ra các vụ ngã xe trên cầu làm một người thiệt mạng, lực lượng công an và dân quân xã được lệnh phải túc trực ở đây từ sáng đến tối để hướng dẫn phương tiện lưu thông cho đến khi sửa chữa lại hai bên đầu cầu.

Cầu treo Cai Bảng thuộc tuyến đường huyết mạch nối thị trấn Lộc Thắng với xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), sử dụng cho người dân trong vùng đi vào khu sản xuất chè, cà phê. Tuy nhiên công trình này hiện đã xuống cấp nặng, mặt cầu bằng ván gỗ đã xuất hiện nhiều lỗ thủng, các sợi dây cáp bằng sắt cũng hoen gỉ, mỗi khi có xe đi qua là cả cây cầu rung lên bần bật. Ở phía hai đầu cầu, cơ quan chức năng cũng treo bảng cầu yếu, khuyến cáo mỗi lượt chỉ nên có một xe đi qua.

Ông Phan Văn Lạng, ngụ thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm, phản ánh: “Chúng tôi thường xuyên đi làm vườn trong này, mỗi lần đi qua cầu thấy rất nguy hiểm. Thậm chí nhiều chỗ người dân còn phải dùng tấm ván ván tạm mặt cầu nhưng chỉ chở nông sản một vài lần là lại bong lên, cho nên chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm tu sửa cây cầu này”.

Tại huyện Bảo Lâm, hiện nay còn khoảng 10 cây cầu treo đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Hầu hết những cây cầu này dẫn vào khu dân cư, vùng nương rẫy của người dân nên nhu cầu sử dụng khá bức thiết. Đặc biệt sắp vào mùa thu hoạch cà phê, nhu cầu chuyên chở hàng hoá rất lớn. Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm) cho biết, nguồn kinh phí địa phương chỉ giải quyết và sửa chữa nhỏ để người dân đi lại tạm thời nên xã vẫn liên tục kiến nghị ngành chức năng bố trí kinh phí để xây dựng cầu mới, đảm bảo cho phương tiện lưu thông nhất là vào mùa mưa bão năm nay.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn còn khoảng 200 cây cầu yếu, xuống cấp. Đây là những cầu sắt, cầu bê tông, cầu
treo, cầu tạm… thuộc các trục giao thông đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên thôn nên ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đi lại, chuyên chở hàng hoá của người dân địa phương.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp cho biết, trong tổng số 200 cầu yếu trên địa bàn hiện đã có 112 cây cầu cấp thiết được tỉnh đưa vào danh mục đầu tư bằng các nguồn khác nhau như vốn ngân sách, vốn ODA, vốn của Bộ Giao thông Vận tải. Do chưa được bố trí kinh phí thực hiện nên đến thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 21 công trình đã bắt đầu triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng. “Đối với 80 công trình cầu đường bộ đang bị xuống cấp khác do đây hầu hết là những cầu lớn bằng bê tông nên hiện nay vẫn sử dụng được. Chúng tôi đã đưa các công trình trên vào danh mục cần sửa chữa, duy tu và kiên cố lại trong khi chờ vốn đầu tư để xây mới những cây cầu này” – ông Hiệp thông tin.
Nguyễn Dũng

Có thể bạn quan tâm